Đó chính là nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử quý báu cho phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ và xa hơn là liên tuyến du lịch quốc tế Việt Nam - Campuchia.
Nhiều di tích có giá trị
Trong chuyến công tác lần đầu đến Lộc Ninh cách đây 5 năm, chúng tôi khá bất ngờ khi được tận mắt ngắm nhìn những di tích cấp quốc gia vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Đó là khu xăng dầu ở xã Lộc Quang gợi nhớ "con đường xăng dầu" trên con đường Trường Sơn huyền thoại đã được xây dựng bằng bao nhiêu công sức và cả máu của những người anh hùng liệt sĩ, của hàng vạn dân công hỏa tuyến để cung cấp xăng dầu cho những trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam và chỉ riêng việc đảm bảo bí mật cho sự tồn tại của hệ thống đường ống, kho xăng dầu không thôi đã là một kỳ tích.
Ở ngay trung tâm huyện là một tòa nhà thấp tầng có kiến trúc nổi bật từng là nơi đặt Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam sau khi Lộc Ninh được giải phóng vào tháng 4-1972.
Và cách đó khoảng 16km là căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết từng là nơi đặt đại bản doanh của Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm 2015, tỉnh Bình Phước cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng tôn tạo để giữ lại nguyên bản những căn nhà nơi làm việc của đại tướng Lê Đức Anh, nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà hội họp, hầm quân y… nằm giữa những khu rừng nguyên sinh đặc chủng của miền Đông Nam bộ (và có cả khách sạn, nhà trưng bày).
Đây là các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó di tích Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết là di tích quốc gia đặc biệt thường xuyên phục vụ du khách trong và ngoài nước, nhất là cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên trong, ngoài tỉnh Bình Phước trong các chuyến du lịch về nguồn.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Bên cạnh những di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia ở trên thì Lộc Ninh cũng là mảnh đất sinh sống lâu đời của các dân tộc Kinh, S’tiêng, Khmer với nhiều tập quán tốt đẹp về văn hóa còn lưu giữ được, đặc biệt là câu chuyện của những đồn điền cao su thời kỳ đầu thực dân Pháp khai thác thuộc địa với 10 làng công nhân cũng là những biên niên sử hấp dẫn cho khách phương xa.
Du khách tham quan di tích căn cứ Tà Thiết thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Lộc Ninh là địa phương có vị trí, tầm quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Phước và vùng Đông Nam bộ, nơi hội tụ các giá trị tài nguyên du lịch về văn hóa - lịch sử, là cửa ngõ, cầu nối phát triển tuyến du lịch quốc tế đường bộ đi qua Quốc lộ 13.
Lộc Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch theo định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2351/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 và đối với không gian phát triển du lịch Bình Phước thì Lộc Ninh cũng là địa phương được lựa chọn phát triển không gian du lịch về di tích lịch sử văn hóa.
Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là điểm đến du lịch của vùng Đông Nam bộ, đồng thời cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là cửa ngõ kết nối tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và ngược lại.
Thế nhưng, do nhiều lý do khác nhau mà đến nay cái tên Lộc Ninh vẫn chưa trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ như đường sá trước đây bị xuống cấp, chậm đầu tư nâng cấp, cơ sở hạ tầng du lịch còn quá khiêm tốn, quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức nhưng hiện Quốc lộ 13 chỉ trừ đoạn qua TP Thủ Dầu Một xe cộ quá đông, còn lại đã được đầu tư nâng cấp khang trang, xe cộ đi lại khá nhanh - chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ từ TPHCM đến trung tâm huyện Lộc Ninh.
Về giải pháp phát triển du lịch Lộc Ninh trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước đã định hướng phát triển du lịch Lộc Ninh gắn với chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết thành sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến hấp dẫn với các hoạt động tham quan tìm hiểu lịch sử, vui chơi giải trí, trải nghiệm trường bắn đạn thật, khu safari Bình Phước và hệ thống dịch vụ phụ trợ hoàn chỉnh.
Cũng theo bà Trần Tuyết Minh, Lộc Ninh cần hoàn thiện hệ thống di tích lịch sử, đặc biệt là hệ thống đất đắp hình tròn, để phát triển thành tour điểm tham quan du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng khu safari 2 khách sạn quy mô 4 sao, 5 sao; gắn kết, phát triển tuyến du lịch quốc tế TPHCM - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và sớm xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện.
Bình Phước: 10 công trình chào mừng 50 năm ngày giải phóng Lộc Ninh Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Cờ thi đua của Chính phủ, huyện Lộc Ninh đã thực hiện 10 công trình trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đường Phan Bội Châu nối Quốc lộ 13 với xã Lộc Thuận vừa được đưa vào sử dụng. Các công trình đáng chú ý như các tuyến giao thông nông thôn được làm mới và nâng cấp mở rộng tại xã Lộc Hòa, đường Phan Bội Châu kết nối Quốc lộ 13 với xã Lộc Thuận; dự án nâng cấp tuyến đường 13B từ ngã ba Chiu Riu đi điểm X16; đường giao thông từ xã Lộc Khánh kết nối Quốc lộ 13; 18 phòng học lầu tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lộc Thiện; đặc biệt là công trình Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Lộc Ninh với 31 phòng học và phòng chức năng, 3 nhà tập đa năng, 4 phòng hỗ trợ học tập. Tổng kinh phí thực hiện hơn 300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và địa phương. Các công trình trọng điểm được khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công xây dựng không chỉ là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh, còn giúp nâng cấp hạ tầng giao thông đi qua các xã, nối tuyến với Quốc lộ 13, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, thể hiện quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Bùi Liêm |