Theo VSA, tình trạng dư cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong khu vực, vì các nhà máy lớn đang khởi động lại các lò hiện có hoặc khởi động các lò mới vào tháng 8 và tháng 9. Cạnh tranh gay gắt hơn khi thị trường đang bị thu hẹp.
VSA dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, theo nhiều chuyên gia, thị trường thép có thể được cải thiện và tăng trưởng trong quý còn lại của năm nay, khi nhu cầu xây dựng tăng cao.
Kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023 cũng được coi là nền tảng thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, ngành sản xuất thép vượt khó trong giai đoạn cuối năm.
Vào ngày 27/05, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cũng nhận định đầu tư công gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là “lực kéo” giúp thị trường sắt thép nội địa vượt khó trong cuối năm nay.
Ngoài ra, đại diện MXV cũng nhận định tuần này sẽ tiếp tục là tuần rất sôi động đối với thị trường quặng sắt. Cụ thể, vào ngày 31/8 tới, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 8.
Số liệu này sẽ được thị trường đặc biệt quan tâm do đây là chỉ số tiết lộ sự thu hẹp hay mở rộng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc, lĩnh vực sử dụng lượng lớn kim loại cơ bản làm nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà chức trách nước này vẫn đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế trong tuần tới, giá quặng sắt, sắt thép có thể nhận được hỗ trợ.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ quặng sắt, nguyên liệu đầu vào chính trong ngành sản xuất thép tăng cao tại Nhật Bản, quốc gia sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá quặng sắt duy trì được đà tăng.
Bộ Công Thương cũng nhận định các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực trong quý 2 và các quý tiếp theo của năm 2023.
“Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước,” báo cáo từ Bộ cho biết.