Một loạt bất cập liên quan đến chính sách được nêu lên gần đây cho thấy dường như cách phối hợp điều hành, thực thi giữa các cơ quan liên quan đang có “vấn đề”.
Không quản được: cấm
Trong cuộc họp đề cập đến những bất cập của hoạt động tạm nhập - tái xuất vừa qua, Tổng cục Hải quan đề cập đến việc kinh doanh tạm nhập - tái xuất mặt hàng xăng dầu như hiện nay không đúng bản chất (hàng hóa phải giữ nguyên trạng), do doanh nghiệp được chia nhỏ lô hàng để vận chuyển khi tái xuất hoặc được để lại tiêu thụ nội địa. Điều này làm công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn.
Ngày 7-9, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương trong tháng 9 phải đưa ra danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập - tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan với: ắc quy chì, vi mạch điện tử; nhựa phế liệu, phế thải; các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc và phủ tạng, phụ phẩm gia cầm… |
Thông tư 126 của Bộ Tài chính quy định: “Xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển vào tiêu thụ nội địa”. Trong đó đã lấy con số 10% làm mốc để tính toán nộp thuế. Nghĩa là chính Bộ Tài chính cũng đã đề cập đến tỷ lệ tối đa 10% giữ lại trong nước để xác định cách tính thuế cho việc tái xuất.
Trước những sai phạm trong kinh doanh tạm nhập - tái xuất, vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo và Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng xăng dầu tạm nhập - tái xuất đối với đường biển, Bộ Công Thương đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng việc tạm nhập - tái xuất qua đường biển, có hiệu lực từ ngày 15-8.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, để đi đến cấm hẳn việc tạm nhập - tái xuất qua đường biển thì bộ này không thể quyết. Muốn cấm phải có cơ sở khoa học, pháp lý, phải lấy ý kiến các bộ, ngành để thống nhất.
Trong thời hội nhập, không phải thích cấm là cấm ngay được. Còn đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, với lợi thế chiều dài đường biển nên Việt Nam có chính sách thu hút tàu nước ngoài cập cảng, muốn thế phải phát triển dịch vụ, trong đó có việc bán xăng dầu (theo hình thức tạm nhập - tái xuất).
Nếu bây giờ cấm bán xăng dầu cho tàu nước ngoài thì tàu nước ngoài sẽ hạn chế vào. Do vậy, việc cấm tạm nhập - tái xuất xăng dầu qua đường biển cần phải cân nhắc kỹ giữa lợi và hại, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách và tăng cường quản lý chứ không nên quản không được thì cấm.
Nới lỏng mặt hàng xa xỉ
Cũng liên quan đến hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, một điều bất cập khác là trong khi nhiều mặt hàng Việt Nam cấm nhập khẩu thì doanh nghiệp vẫn được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất (như chất thải nguy hại gồm: ắc quy chì, vi mạch điện tử, nhựa phế liệu, phế thải, hóa chất...).
![]() |
Rác phế thải đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu |
Trong khi đó, theo Nghị định 12 về chi tiết thi hành Luật Thương mại ban hành năm 2006, để ngăn ngừa tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại... trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi công bố danh mục mặt hàng tạm ngừng kinh doanh theo các phương thức tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, nhiều mặt hàng gây ô nhiễm môi trường vẫn “vô tư” được tạm nhập - tái xuất và nhiều khi tìm cách “thẩm lậu” vào Việt Nam dù cơ quan hải quan đã nhiều lần cảnh báo, kiến nghị.
Một điểm khiến dư luận quan tâm gần đây là vấn đề liên quan đến chính sách siết chặt hay nới lỏng nhập hàng xa xỉ. Trong khi quy định về nhập khẩu đối với các mặt hàng xa xỉ đang bị siết chặt từ hơn 1 năm nay, trong đó có mặt hàng ô tô, thì gần đây Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho nới lỏng mặt hàng ô tô.
Đề xuất này dựa trên các lý do như tránh sự độc quyền trên thị trường của các liên doanh lắp ráp ô tô FDI; tạo sự thông thoáng sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đằng sau kiến nghị này là nhằm cải thiện nguồn thu ngân sách khi mà 8 tháng, số thu thuế của ngành chưa được 60%, riêng nhập khẩu ô tô giảm đến 50% về giá trị so với cùng kỳ.
Bên cạnh sự khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng phải nhìn nhận biện pháp mang tính hành chính siết nhập khẩu hàng xa xỉ đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế nhập siêu. Chính vì vậy, kiến nghị nới lỏng chỉ sau hơn 1 năm khiến nhiều người có cảm giác thiếu sự đồng thuận trong việc ban hành cũng như thực hiện quy định này.
Còn nhớ tại phiên họp giao ban tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2011, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết trước khi ban hành Thông tư 20, bộ này cũng đã bàn với các bộ, ngành, liên quan, trong đó có Bộ Tài chính và tất cả đều đã nhận được ý kiến đồng thuận và ủng hộ các biện pháp trên.