Mới chỉ có 12% phương tiện lắp camera
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Nhưng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay mới có hơn 25.000 trên tổng số 200.000 phương tiện phải lắp camera, đạt khoảng hơn 12%.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV.VN, đến nay số phương tiện chấp hành lắp camera rất thấp vì đa số doanh nghiệp vận tải cho biết họ băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị theo tiêu chuẩn nào để sau này được chấp nhận và không lãng phí.
“Tiêu chuẩn kỹ thuật camera sẽ tránh trường hợp doanh nghiệp đầu tư xong rồi, mai sau lại không đạt tiêu chuẩn, phải đầu tư mới rất lãng phí. Hiện, các doanh nghiệp ở Điện Biên đang triển khai lắp theo quy định”, ông Nam lý giải.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty Vận tải ô tô Đức Chính (Hải Dương) cho rằng, việc lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải là cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Tuy nhiên vừa qua, do ảnh hưởng dịch COVD-19 nên doanh nghiệp có gặp khó khăn về tài chính, Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã có văn bản lùi thời hạn lắp đặt và xử phạt.
“Tôi nghĩ khi đã có Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho hệ thống camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải thì sẽ thuận tiện hơn cho đơn vị, tìm đối tác đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và lắp đặt cũng sẽ nhanh gọn hơn. Trước đây cứ loay hoay xem lắp đặt của đơn vị nào đảm bảo, giá cả phù hợp…”, ông Chính cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn có thể lắp camera được sản xuất theo tiêu chí của Nghị định 10 và Thông tư 12, tuy nhiên lắp camera theo TCVN sẽ phù hợp và tiết kiệm hơn.
TCVN quy định camera là một thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G được gắn thêm đầu thu camera, quy định cụ thể về định dạng video, định dạng và kích thước ảnh, thời gian lưu trữ.
Thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng, kể cả ban đêm và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.
“Sau khi có TCVN về camera giám sát hành trình các doanh nghiệp sẽ yên tâm lắp thiết bị theo đúng thời hạn trước ngày 31/12 tới theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Quyền nhận định.
Có TCVN, doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, TCVN-13396 quy định cụ thể đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị.
“Sản phẩm đạt TCVN-13396 là thiết bị giám sát hành trình có công nghệ 4G trở lên nhưng được gắn thêm mắt thu camera, phù hợp với Nghị định 10 và các văn bản pháp luật có liên quan”, bà Hiền nói.
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, Nghị định 10 chưa bắt buộc thiết bị phải theo tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào, chỉ có yêu cầu các tiêu chí đầu ra hình ảnh và truyền dữ liệu.
Do vậy, doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị camera đáp ứng tính năng của thiết bị quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 vẫn có thể đáp ứng yêu cầu.
“TCVN-13396 đáp ứng được tính năng theo yêu cầu của Nghị định 10 và các thông tư, vừa đảm bảo minh bạch. Doanh nghiệp yên tâm sản xuất thiết bị, giúp cho người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị hợp tác trên cơ sở chất lượng được Tiêu chuẩn quy định”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo ông Hà, tiêu chuẩn camera giám sát hành trình giúp người sử dụng không mất thời gian đọc hiểu một số văn bản pháp luật vốn có nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp, mà chỉ cần lựa chọn sản phẩm được cấp chứng nhận đạt chuẩn.
“Hiện trên thị trường có BA-SmartCamera sử dụng bộ 3 chip vi xử lý, GNSS và 4G hãng Qualcomm của Mỹ, sử dụng bộ nhớ SSD, có thời gian bảo hành 24 tháng. Thiết bị kết nối với đa dạng loại mắt thu camera với độ phân giải cơ bản: 720p,1080p và loại mở rộng: 2K,4K, tùy theo mức đầu tư, chi phí đường truyền và lưu trữ khá phù hợp với các xe”, ông Hà nói.
Theo đại diện một đơn vị cung cấp thiết bị, với thị trường trăm hoa đua nở, khó biết loại nào “đạt chuẩn”, chọn nhầm lại “tiền mất tật mang”, cho nên, ngày 4/11/2021, Bộ KHCN ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396 về Camera giám sát hành trình là căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng nhà cung cấp sản phẩm.
Ngoài ra, các nhà cung ứng buộc phải đổi mới công nghệ, vừa để đáp ứng các quy định, vừa phải cạnh tranh giá cả và chất lượng. Nhờ đó, giá camera sẽ cạnh tranh hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Trước khi có TCVN, giá lắp đặt 1 bộ camera trên xe ô tô khoảng 10 - 12 triệu đồng, hiện nay giá chỉ còn khoảng 3 - 5 triệu đồng/xe.
Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghị quyết số 66 của Chính phủ cho phép hoãn thời hạn xử phạt đến hết năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau khi Bộ GTVT có công văn lần 3 đôn đốc lắp camera xe kinh doanh vận tải, thì đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN-13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp lắp camera phải đạt chuẩn theo TCVN.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, TCVN-13396 quy định cụ thể đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị. Sản phẩm đạt TCVN-13396 là thiết bị giám sát hành trình có công nghệ 4G trở lên nhưng được gắn thêm mắt thu camera, phù hợp với Nghị định 10 và các văn bản pháp luật có liên quan.