Vì sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường

(ĐTTCO) - Cuốn sách Chia rẽ - Vì sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường, của nhà báo kỳ cựu Tim Marshall sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về thế giới và những bức tường hữu hình và vô hình. 
Vì sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường
Theo tác giả Tim Marshall, việc Bức tường Berlin sụp đổ là ngoại lệ nằm ngoài quy luật. Ở khắp nơi, chúng ta đang thấy những bức tường biên giới được dựng lên. Tim Marshall đưa ra các số liệu củng cố cho nhận định này, trong đó tường ngăn biên giới kiên cố hầu như không tồn tại vào cuối Thế chiến II, nay đã lên đến con số khoảng 70, phần lớn trong số đó chỉ mới được xây dựng từ năm 2000. Sự chia rẽ tiếp tục là xu hướng chính trong quan hệ địa chính trị và bản sắc dân tộc, và các quốc gia dường như đang kích động lẫn nhau xây thêm các bức tường ngăn cách. Đây là những đường đứt gãy sẽ định hình thế giới trong nhiều năm tới.
Tác giả dành hẳn chương đầu viết về một trong những vấn đề biên giới nóng nhất, sự ngăn cách giữa Mexico và Mỹ, đồng thời dùng vấn đề này làm cơ sở để giải thích điều gì khiến cho chính sách bức tường biên giới trở nên có sức thuyết phục trong nền chính trị đại chúng - ngay cả khi chính sách này không hiệu quả trong việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp. Bức tường khiến những người dân mong muốn có hành động thiết thực cảm thấy ít ra có ai đó đang hành động... Rốt cuộc, có rất ít rào chắn bất khả xâm phạm. Người ta rất giỏi xoay xở, và những người đang quá tuyệt vọng sẽ tìm ra cách vượt qua.
Tác giả đưa chúng ta tới tham quan một số đường biên giới nổi bật nhất đang chia cắt thế giới: Biên giới của Ấn Độ với Pakistan và Bangladesh, biên giới Israel và Palestine ở Bờ Tây, các biên giới mới trên khắp Trung Đông và những biên giới chạy quanh châu Âu. Marshall đặt ra vấn đề về những rạn nứt trong lòng Liên minh châu Âu. Dù biểu tượng tối thượng của sự chia rẽ về chính trị ở châu Âu - Bức tường Berlin - đã sụp đổ hơn 30 năm. Niềm hy vọng về chủ nghĩa quốc tế và cảm giác thống nhất lại ngày càng mờ nhạt đi. EU đã không được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư. Cùng với đó là khác biệt văn hóa giữa Đông - Tây Âu, sự trỗi dậy của Nga, và chủ nghĩa khủng bố. Hiệu quả của các rào chắn này còn đang được kiểm chứng, tuy nhiên vấn đề tác giả quan tâm hơn hết chính là mong muốn chia cắt, và điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu trong thế kỷ 21. 
Theo Marshall, mỗi bức tường được dựng lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, để ngăn chặn khủng bố và kiểm soát nhân khẩu học. Nhưng những bức tường này được bắt nguồn từ chính tâm trí của con người. Chúng ở đó để phản chiếu những bất đồng trong tâm thức và tư duy. Tức con người vẫn đang tự chia rẽ nhau bằng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng chính trị…
Mặc dù những bức tường đại diện cho bất đồng mà rõ ràng là con người rất khó vượt qua, ông vẫn giữ lại niềm hy vọng tích cực trước tình hình này. Bởi con người bình đẳng với nhau. Lịch sử thì chứa đựng vô số khả năng. Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, vẫn có triển vọng lịch sử sẽ lại xoay hướng về phía đoàn kết và thống nhất.

Các tin khác