Vì sao Covid-19 vẫn bùng phát ở Đức dù tỷ lệ tiêm chủng cao?

(ĐTTCO) - Đức giữ được tỷ lệ mắc Covid-19 tương đối thấp trong mùa hè vừa qua. Nhưng giờ đây, quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại ở châu Âu, khi nhiệt độ lạnh hơn và nhiều bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch bị suy giảm sau 6 tháng tiêm hai mũi vaccine.

Cơ quan y tế Đức báo cáo hơn 37.000 ca mắc Covid-19 mới vào hôm 5/11. Đây là con số trong ngày cao nhất từng được ghi nhận, theo số liệu của chính phủ.

Ngày 8/11, Viện Robert Koch (RKI) cũng công bố tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức đã tăng lên 201,1. Điều đó có nghĩa trong 7 ngày qua, cứ 100.000 người thì có hơn 200 người mắc bệnh.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của làn sóng dịch mới xuất phát từ việc Đức tránh được đợt lây nhiễm vào mùa hè vừa qua, với ít người mắc Covid-19 dẫn đến khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số thấp.

Các yếu tố khác cũng đóng một vai trò nhất định, bao gồm việc triển khai chậm trễ các mũi tiêm tăng cường cho nhóm nguy cơ cao, cùng nhiệt độ thấp khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn, theo Wall Street Journal.

Tỷ lệ tiêm chủng chững lại

“Những con số này thật đáng sợ”, Giáo sư Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch nói và nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đã không còn được tuân thủ đầy đủ.

Hơn 67% dân số Đức đã được tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia cho biết điều này giúp giảm trường hợp nhập viện và tử vong so với các làn sóng dịch trước đó.

Nhưng dù thấp hơn so với mức kỷ lục 894 vào hồi tháng 1, tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày liên quan đến Covid-19 đã tăng lên 118 vào hôm 7/11, nhiều hơn đáng kể so với những tháng gần đây.

Tính đến ngày 7/11, Đức, quốc gia đông dân nhất của Liên minh châu Âu với 83,2 triệu dân, có hơn 2.500 bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc đặc biệt.

Trong bối cảnh đó, chính phủ nước này phải vật lộn để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng hơn nữa, giữa lúc số lượng người đi tiêm vaccine chững lại.

Nhưng không giống như một số quốc gia châu Âu khác, chính quyền Đức không bắt buộc tiêm chủng cho người lao động vì lo ngại rằng những quy định đó có thể gây ra phản ứng dữ dội.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết khoảng 50% hộ lý, điều dưỡng, bao gồm cả những đối tượng chăm sóc người già và các nhóm nguy cơ khác, chưa được tiêm chủng. Ông đã phải miễn cưỡng bắt buộc họ tiêm phòng vì sợ rằng đợt dịch mới có thể khiến những nơi này thành ổ dịch và làm gián đoạn hoạt động.

Hiện Đức vẫn còn hơn 16 triệu người trên 12 tuổi chưa được tiêm vaccine, trong đó có 3,2 triệu người trên 60 tuổi. Các nhà chức trách đang tranh luận về việc đưa ra những biện pháp phòng dịch mới.

Đầu tuần này, ở phía đông bang Sachsen, nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 491,3, những người chưa tiêm chủng phải đối mặt với hạn chế mới.

Chỉ những người đã tiêm vaccine đầy đủ hoặc có bằng chứng hồi phục sau Covid-19 mới được ăn uống và tham dự các sự kiện trong nhà, ngoại trừ trẻ em cùng các đối tượng không đủ điều kiện tiêm vaccine.

Trước đó, một số tiểu bang cũng có quy định yêu cầu bằng chứng đã tiêm chủng, phục hồi sau khi mắc Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính để vào nhà hàng, phòng tập thể dục và các địa điểm trong nhà khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát đang trở nên lỏng lẻo hơn.

Miễn dịch tự nhiên trong dân số thấp

Theo Giáo sư Hendrik Streeck thuộc Đại học Bonn, Đức, thành công tương đối của Đức trong việc kiểm soát làn sóng dịch trước đó có thể đã góp phần vào vấn đề mà nước này đang phải đối mặt.

Mặc dù không so sánh trực tiếp, giáo sư Streeck cho rằng người dân Anh, Pháp và Italy nhiễm bệnh nhiều hơn trong đại dịch và do đó có thể đạt được khả năng miễn dịch toàn dân cao hơn.

Đức đã ghi nhận 96.492 trường hợp tử vong cho đến nay. Trong khi đó, dù có dân số ít hơn, Anh báo cáo 142.019 ca, Italy là 132.334 ca và Pháp là 118.830 ca, theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford.

Tiến sĩ Andreas Gassen, người đứng đầu Hiệp hội Quốc gia về các bác sĩ bảo hiểm y tế theo luật định, cho rằng hầu hết, nếu không phải tất cả, người chưa tiêm chủng hoặc nhiễm virus sẽ mắc bệnh trong vài tháng tới.

Sự suy yếu trong hiệu quả bảo vệ của vaccine cũng là yếu tố dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19, theo một số chuyên gia.

Theo Viện Robert Koch, khoảng 26% bệnh nhân mắc Covid-19 được chăm sóc đặc biệt đã tiêm chủng đầy đủ. Con số này tăng lên hơn 34% đối với bệnh nhân trên 60 tuổi.

Viện cho biết thêm các ca "nhiễm trùng đột phá" hầu hết xảy ra ở những người tiêm một mũi vaccine Johnson & Johnson.

Theo giáo sư Leif Erik Sander, chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, khoảng 40% người trên 60 tuổi không có kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Delta sau 6 tháng được tiêm chủng đầy đủ.

Khoảng 30 triệu người ở Đức thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm người già và những người mắc các bệnh nền nghiêm trọng, sẽ cần tiêm mũi thứ ba, ông Sander nói.

Đồng quan điểm, Jonas Schmidt-Chanasit, một nhà virus học tại Đại học Hamburg, cho biết sự gia tăng các ca mắc hiện tại không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, giới chức nước Đức đang tụt hậu so với các quốc gia láng giềng trong việc cung cấp mũi tiêm tăng cường cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Ông cũng cho biết những người đã tiêm chủng không bị buộc phải xét nghiệm theo quy tắc hiện hành, dù vẫn có khả năng nhiễm virus. Điều này đã góp phần sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh hiện nay.

“Nhiều người không hiểu rằng vaccine chủ yếu là để bảo vệ họ khỏi nhập viện và tử vong, chứ không phải là ngăn chặn hoàn toàn không bị nhiễm bệnh", ông nói.

Trong khi đó, giáo sư Streeck lập luận rằng sự gia tăng các ca mắc Covid-19 theo mùa sẽ dần trở nên bình thường khi Đức học cách sống chung với virus, đặc biệt là khi phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch bằng cách tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.

“Những làn sóng dịch sẽ nhỏ dần đi nhưng chúng ta sẽ chứng kiến những đợt mới dâng theo mùa khi thời tiết mát mẻ, bắt đầu vào mùa thu”, ông cho biết.

Các tin khác