Vì sao doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội từ các FTA thế hệ mới?

(ĐTTCO)-Doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu và chủ yếu làm những sản phẩm có đặc thù chế biến còn ít, do đó giá trị gia tăng thu được còn nhỏ.
Vì sao doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội từ các FTA thế hệ mới?

Xuất khẩu sang thị trường các nước đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) những năm gần đây liên tục tăng, song xét về tổng thể, nếu doanh nghiệp có chiến lược bài bản, xây dựng được thương hiệu để nâng cao giá trị… sẽ giúp hàng Việt Nam có những bước đột phá, đóng góp nhiều hơn cho kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/11.

Doanh nghiệp Việt chủ yếu gia công, theo đặt hàng

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), nhờ triển khai nhiều giải pháp thực thi các FTA, Việt Nam đã xuất siêu sang nhiều nước. Đơn cử, năm 2022, Việt Nam đạt thặng dư ở mức 11 tỷ USD đối với các thị trường lần đầu có FTA với các nước trong hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Canada, Mexico, Peru.

Ngoài ra, kim ngạch thương mại với EU năm 2022, ghi nhận 62,24 tỷ đô và thặng dư trên 31 tỷ USD, còn với thị trường Anh, kim ngạch thương mại đạt 6,8 tỷ USD và thặng dư trên 56 tỷ đô.

Sang năm 2023, mặc dù kinh tế, địa chính trị trên thế giới có rất nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng trên thế giới suy giảm, nhưng đối với Hiệp định CPTPP, kim ngạch thương mại của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 vẫn đạt 63 tỷ USD và thặng dư 3,3 tỷ USD, trong khi với EU cũng ghi nhận thặng dư là 9,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, bà Phương đánh giá quá trình tận dụng FTA vừa qua còn rất nhiều tồn tại, khi tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất là khiêm tốn. Ví dụ, năm 2022, tỷ trọng của xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI lại tận dụng được tốt các FTA, còn doanh nghiệp nội, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tận dụng các cơ hội từ các FTA này còn tương đối hạn chế.

“Doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu và chủ yếu làm những sản phẩm mà có đặc thù chế biến còn ít, do đó giá trị gia tăng thu được còn nhỏ. Chúng ta cũng chưa có sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đối với việc xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA,” bà Nguyễn Thị Lan Phương nêu thực tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các FTA đã hỗ trợ rất nhiều song để tận dụng hiệu quả, đó là đưa được nhiều hàng hơn, thúc đẩy được nhiều doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu, vào sân chơi toàn cầu thì cần được sự hỗ trợ về nguồn vốn nhằm tăng cường đầu tư cho sản xuất-kinh doanh.

“Như hiệp hội đã từng kiến nghị lãi suất với Việt Nam đồng là dưới 7% và lãi suất với đô la Mỹ là dưới 4% sẽ là một trợ lực đáng kể đối với lại ngành hàng thủy sản để ít nhất trong năm tới 2024 sẽ có thêm nhiều dư địa,” đại diện VASEP bày tỏ.

Phải định vị được sản phẩm cùa mình

Thực tế, trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều nguồn vốn ưu đãi được phía Ngân hàng đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất-kinh doanh, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID-19.

Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thông tin, ngân hàng mặc dù có lượng thanh khoản rất dồi dào nhưng vẫn phải cho vay theo một nguyên tắc phải đảm bảo đúng quy định, không thể hạ chuẩn để cho vay.

Đưa dẫn chứng 10 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng trên 7%, ông Hùng cho rằng, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành là trên 7%, gần 8% nhưng tăng trưởng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu là 11,61%, cao hơn so với cả năm 2022 và nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 0,72%.

Nhắc lại việc không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng các điều kiện, nguyên tắc để đảm bảo có thể là hậu kiểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, có thể cho vay nhưng kiểm tra sau và có một thái độ rất nghiêm khắc khi doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên tập trung và hướng tới những sản phẩm trách nhiệm, những sản phẩm thân thiện với môi trường tăng trưởng Xanh, kể cả người sản xuất, từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tiến tới bao bì cũng phải sạch. Như vậy, ngành ngân hàng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp và tận dụng những nguồn vốn của các tổ chức quốc tế để làm sao có thể thu hút được.

Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Lan Phương lưu ý thêm, các doanh nghiệp cần phải có sự định vị lại đối với chính mình để tập trung vào những ngành hàng xác định là thế mạnh và đi lâu dài với những ngành hàng đó, cũng như tập trung vào những thương hiệu phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo bà, doanh nghiệp đôi khi không phải cần một mặt bằng lãi suất thấp hơn, mà cần một thủ tục hành chính đơn giản để tiếp cận nguồn vốn tín dụng đó nhanh hơn, đúng thời điểm mà họ cần.

“Sự tham gia quyết liệt của tất cả các bên, từ Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tỉnh thành và đặc biệt là doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta tận dụng được các FTA tốt hơn thông qua những giải pháp đồng bộ về việc tiếp cận nguồn tài chính và vốn,” bà Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ thêm.

Các tin khác