Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Với GDP 9 tháng 2022 tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%. Đáng chú ý, nhóm ngành dịch vụ quý III và 9 tháng 2022 tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, quý III khu vực này tăng 18,86% và 9 tháng tăng 11% (so với cùng kỳ 2021 tăng trưởng âm lần lượt -9% và -0,05%).
Đặc biệt, trong quý III và 9 tháng ngành vận tải kho bãi tăng trưởng đến 29% và 14%, do cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm -19% và -5,1%; ngành khách sạn nhà hàng tăng trưởng tương ứng 172% và 42% (cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm tương ứng -59% và -26%); các nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí và các ngành dịch vụ khác tăng trưởng cao 27%, 15% và 62%, 19,1% tương ứng.
Về phía sử dụng GDP quý III, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy gộp tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong khi đó sử dụng GDP 9 tháng 2021, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ 2020; tích lũy gộp tài sản tăng 4,27%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,21%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18,46%.
Điều này có thể nhận thấy tăng trưởng của quý III và 9 tháng 2022 nhìn từ phía cầu cơ bản, do cầu tiêu dùng phục hồi sau thời gian chống dịch bằng cách ngăn sông cấm chợ, tăng trưởng về cầu đầu tư cơ bản do khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước (đầu tư của 2 khu vực này tăng trưởng trên 20% trong quý III và doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng 9,7%, doanh nghiệp FDI tăng trưởng 11% trong 9 tháng).
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của khu vực tư nhân dường như vẫn đầy trắc trở và chông gai. Luồng tiền cơ bản đi vào chứng khoán và bất động sản, nhưng trớ trêu là nhiều doanh nghiệp tham gia sàn chứng khoán sau khi bị kiểm tra đang lãi thành lỗ.
Điều này phần nào cho thấy các nhà đầu tư có thể bị lừa với các báo cáo về kết quả sản xuất trước khi được kiểm tra kiểm toán, và có thể nguồn lực về vốn của nền kinh tế đang chảy không đúng nơi đáng ra nó phải đến. Luồng tiền phải đi vào sản xuất để tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động mới là luồng tiền hữu ích.
Hơn nữa, tính đến thời điểm 20-9-2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Phải chăng chính sách tiền tệ dường như không liên quan nhiều đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế?
Như vậy, có thể thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, một phần do chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhưng chủ yếu do năm trước dịch bệnh và cách chống dịch cực đoan khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái tê liệt và người dân trầm uất.