Vì sao hầu hết các bộ, ngành đều bị giảm điểm Chỉ số cải cách hành chính?

(ĐTTCO)-Chỉ số thành phần “cải cách thể chế” PAR Index 2023 có giá trị trung bình 78,96%, giảm so với năm 2022 là 0,59%; trong đó chỉ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo thấp nhất, với giá trị 67,84%.

(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Tình trạng chậm ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trong năm 2023 diễn ra khá phổ biến.

Hạn chế này là nguyên nhân khiến hầu hết các bộ, ngành đều bị giảm điểm trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023.

Công tác thẩm định văn bản được thực hiện bài bản

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững. Điều này tiếp tục được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời được Chính phủ xác định là một trong ba trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo quyết liệt về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, thích ứng với tình hình thực tiễn; kịp thời phát hiện, tháo gỡ các rào cản về thể chế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tham mưu ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, qua đánh giá và phân tích tiêu chí về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung của bộ Chỉ số cải cách hành chính 2023, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã bám sát kế hoạch công tác, cơ bản bảo đảm tiến độ.

So với năm 2022, số lượng văn bản các bộ, ngành phải xây dựng nhiều hơn nhưng tình trạng nợ đọng có xu hướng giảm dần.

Một số bộ, ngành tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số lượng lớn văn bản như Bộ Quốc phòng 170 văn bản, Bộ Tài chính 96 văn bản, Bộ Công an 90 văn bản; Bộ Giao thông vận tải 61 văn bản.

Người dân đến làm các thủ tục cần thiết tại Trung tâm hành chính công tỉnh Lai Châu. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Được coi là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được thực hiện bài bản.

Báo cáo thẩm định đã chú trọng các vấn đề liên quan đến đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, cũng như các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong việc tạo điều kiện và bảo đảm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn.

Qua đánh giá điểm cải cách hành chính cho thấy bên cạnh việc tự kiểm tra, các bộ, ngành đã thực hiện khá tốt việc kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản do các bộ, ngành khác và các địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan mình (như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính).

Đặc biệt, các bộ, ngành đã tập trung rà soát được trên 32.600 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để triển khai Đề án 06 (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”).

Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật xây dựng nhiều báo cáo để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc xử lý các văn bản có hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác truyền thông chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là truyền thông dự thảo chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Qua đó góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật, tạo đồng thuận xã hội và thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngày càng bài bản, từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai, đến kiểm tra, đôn đốc và báo cáo tình hình thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mang tính liên ngành.

Giảm điểm cải cách hành chính vì chậm ban hành văn bản

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức về cải cách thể chế.

Đến nay mới có 15/28 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách công tác pháp chế.

Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết tuy đã có bước khắc phục, nhưng đến hết năm 2023 vẫn còn 8 văn bản nợ chưa được ban hành.

Đặc biệt, qua thẩm định điểm cải cách hành chính cho thấy, tình trạng chậm ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các bộ, ngành đều bị giảm điểm vì hạn chế này.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2023 vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố, chỉ ra rằng, cải cách thể chế là một trong 3 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2022, cùng với cải cách thủ tục hành chính và xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Chỉ số thành phần “cải cách thể chế” PAR Index 2023 có giá trị trung bình là 78,96%, giảm so với năm 2022 là 0,59%.

Bộ Tư pháp đạt chỉ số thành phần này cao nhất, với giá trị 93,99%. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết quả chỉ số thành phần ở lĩnh vực này thấp nhất, với giá trị 67,84%.

Trong năm 2023, còn một số bộ, cơ quan chưa hoàn thành đúng tiến độ được giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan chưa xử lý dứt điểm văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị. Có đến 14/17 bộ, cơ quan không đạt điểm tối đa tại tiêu chí “đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.”

Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra rằng công tác phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng đề ra.

Việc ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu (như Cần Thơ, Đắk Nông).

Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cải cách thể chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần gắn việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chú trọng phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024-2025 của Quốc hội; khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Kiểm soát chặt chẽ các quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận.

Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các quy định pháp luật còn hạn chế, bất cập, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là giải pháp về thể chế, cũng như chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm việc thực thi pháp luật có hiệu quả.

Thực hiện hiệu quả, thực chất công tác truyền thông chính sách pháp luật. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế.

Các tin khác