Giống như một cái cân hai đĩa, một bên là hàng hóa Mỹ xuất khẩu, bên kia là hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó vào Mỹ (nhập khẩu). Nếu đĩa nhập khẩu nặng hơn, tức là Mỹ nhập siêu từ quốc gia đó.
Để cân bằng lại, Mỹ áp dụng một mức thuế lên hàng hóa nhập khẩu, bằng cách thêm trọng lượng vào đĩa xuất khẩu để làm cho hai bên cân bằng. Mức thuế này được tính toán dựa trên việc làm giảm giá trị nhập khẩu sao cho bằng với giá trị xuất khẩu, giả định rằng các yếu tố khác như việc Mỹ chưa xem xét đến các can thiệp thao túng tiền tệ, tỷ giá…
Công thức tính thuế của Mỹ
Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ công bố công thức tính mức thuế đối ứng như sau: Mức thuế đối ứng = (nhập khẩu - xuất khẩu) / (nhập khẩu × độ co giãn nhập khẩu × tỷ lệ truyền dẫn).
Chúng ta có thể phân tích sau:
Thứ nhất, Mỹ nhập siêu mạnh từ Việt Nam: Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam nhiều hơn xuất khẩu sang Việt Nam. Ví dụ, năm 2024, Mỹ nhập khẩu khoảng 136,463 tỷ USD từ Việt Nam, nhưng chỉ xuất khẩu 13,561 tỷ USD. Như vậy, chênh lệch thương mại lên tới khoảng 122,9 tỷ USD.
Thứ hai, độ co giãn nhập khẩu và tỷ lệ truyền dẫn: Nếu độ co giãn nhập khẩu của hàng hóa Việt Nam vào Mỹ thấp (tức là dù giá tăng do thuế nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ không giảm đáng kể), thì Mỹ có thể đặt mức thuế cao để làm giảm nhập khẩu mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường. Mỹ tính toán con số này là 4.
- Nếu tỷ lệ truyền dẫn gần bằng 1, tức là thuế suất Mỹ áp đặt gần như hoàn toàn chuyển vào giá hàng nhập khẩu, thì mức tính thuế sẽ cao hơn. Mỹ tính toán con số này là 0,25.
Áp dụng vào công thức:
- Nhập khẩu = 136,463 tỷ USD
- Xuất khẩu = 13,561 tỷ USD
- Độ co giãn nhập khẩu ≈ -4
- Tỷ lệ truyền dẫn ≈ 0,25
- Mức thuế đối ứng = (136,463 tỷ USD - 13,561 tỷ USD) / (136,463 tỷ USD × (-4) × 0,25) ≈ 46% (Trump đã chiết khấu 50%).
Nhìn vào công thức, mục tiêu của Mỹ khi đánh thuế 46% có thể là (1) Giảm nhập siêu: Mỹ muốn giảm bớt lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam để thu hẹp khoảng cách thương mại. (2) Thúc đẩy sản xuất trong nước: Việc đánh thuế cao khiến hàng Việt Nam đắt hơn, từ đó khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa Mỹ hoặc nhập từ các nước khác. (3) Có thể là một đòn bẩy để Mỹ đàm phán lại các điều kiện thương mại với Việt Nam. Ví dụ yêu cầu Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng Mỹ hơn.
Mục tiêu thực sự của ông Trump là gì?
Một bình luận trên Financial Times cho rằng, nếu ta muốn suy nghĩ về những gì Trump muốn, thì có thể dẫn đến nạn phá rừng trên diện rộng, vì vô số các học giả sẽ cạnh tranh để có bài báo giải thích hoặc dự đoán tốt nhất. Giả sử chúng ta vẫn viết trên giấy và có đủ khả năng để mua giấy.
Góc nhìn từ chính quyền Trump, tất nhiên, ưu điểm của công thức là (1) rất dễ hiểu, dễ áp dụng, Trump không thích dài dòng (2) tạo ra một cơ chế tự động để phản ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Thậm chí đến chim cánh cụt cũng bị tự động áp thuế đối ứng (3) công thức dựa trên số liệu thương mại rất thực tế (vì Trump rất ghét các nhà kinh tế hàn lâm với các mô hình cao siêu), giúp Mỹ xác định mức thuế dựa vào mức độ nhập siêu của từng quốc gia.
Tất nhiên, với các nhà kinh tế, công thức này có quá nhiều điều phi lý vì (1) thuế cao có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Mỹ (2) bỏ qua các yếu tố khác ảnh hưởng đến thâm hụt thương mại. Mỹ có mức tiêu dùng cao và tiết kiệm thấp, dẫn đến nhập siêu với nhiều nước, không chỉ Việt Nam. Thuế quan đối ứng không giải quyết được căn nguyên thâm hụt thương mại kinh niên của Mỹ.
Nhiều phân tích cho rằng, có thể động cơ thực sự của Mỹ là muốn phong tỏa toàn diện Trung Quốc ở quy mô toàn cầu. Nhiều sản phẩm nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam thực chất có linh kiện hoặc nguyên liệu từ Mỹ, Trung Quốc hoặc các nước khác. Nhưng có lẽ ý đồ thực sự của Trump là muốn phong tỏa toàn diện Trung Quốc, do họ xác định đây là kẻ thù số 1. Trung Quốc giờ đây không thể nào chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam và các nước khác để né thuế.
Trong cái rủi có cái may, Việt Nam càng có thêm động lực tìm mọi cách tế nhị né chuỗi cung ứng không bền vững từ Trung Quốc, nếu không muốn bị đánh thuế cao hơn mức 46% (do tử số là nhập siêu của Mỹ từ Việt Nam - mà phần nhiều cấu thành từ các linh kiện đến từ chuỗi cung ứng Trung Quốc - trong công thức tính thuế tăng lên mạnh). Không còn nơi nào an toàn cho tất cả các quốc gia.
Trong dài hạn, Việt Nam có nhiều việc phải làm từ đòn tàn sát thuế quan của Trump trong một thế giới phân cực phi thường. Nhưng trong dài hạn thì ai cũng chết. Trong ngắn hạn cần phải tồn tại. Trước mắt cần phải làm gì? Eric Trump, con trai của Trump nói trên X: “Tôi không muốn ai đó trở thành quốc gia cuối cùng cố gắng đàm phán một thỏa thuận thương mại. Người đầu tiên đàm phán sẽ thắng - người cuối cùng chắc chắn sẽ thua. Tôi đã chơi trò chơi này cả đời rồi”.