Singapore có diện tích cây xanh tính trên đầu người 39m2, cùng với Seoul của Hàn Quốc 41m2 /người, Berlin (Đức) 50m2/người, Moscow (Nga) 44m2/người, Paris (Pháp) 25m2/người…
Những ai đã đến Singapore đều ấn tượng về màu xanh tràn ngập khắp nơi từ sân bay Changi đến các đường phố, công sở chính phủ, công viên, nhà dân. Vậy với diện tích nhỏ nhoi như thế, Singapore lấy đất đâu trồng cây xanh?
Dự án không đạt tiêu chí xanh hóa không cấp phép
Dự án không đạt tiêu chí xanh hóa không cấp phép
Năm 1965, khi Singapore tách ra từ Malaysia để trở thành quốc gia độc lập, vào thời gian ấy Singapore chỉ là hòn đảo nghèo nàn, đất đai chỉ hơn 500km2 (phần đất tăng lên là kết quả của quá trình hơn 50 năm lấn biển), ông Lý Quang Diệu đã xác định Singapore không phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chỉ phát triển dịch vụ, trong đó tập trung dịch vụ tàu biển, du lịch, y tế, giáo dục, giải trí chất lượng cao.
Một trong số các nhiệm vụ được coi là chiến lược là phải tạo ra Singapore xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn. Ông nói không ai đến nơi dơ bẩn, nóng nực, xấu xí để thăm thú, học hành và chữa bệnh cả.
Ông có niềm tin vững chắc khi Singapore trở thành TP xanh, sạch, đẹp, đồng nghĩa với nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước. Điều này giúp Singapore nhập những TP đẳng cấp thuộc “thế giới thứ nhất”. Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông Lý đã tiến hành một loạt kế hoạch chiến lược.
Trước hết, ông giao kiến trúc sư (KTS) danh tiếng Lưu Thái Cơ và các cộng sự xây dựng bản quy hoạch tích hợp có giá trị “không bao giờ lạc hậu”, trong đó Singapore là “Phố trong vườn, vườn trong TP”. Các KTS đã làm được việc đó, cho đến nay Singapore đã không tham lam bê tông hóa bề mặt và cho phủ xanh hòn đảo theo cách thức đa tầng: tầng thấp nhất là cỏ, bụi cây con, cây thấp tầng, sau đó là tầng trung và tầng cao.
Do vậy, tỷ lệ phủ xanh không gian tầng cao nhìn từ trên cao xuống bằng không (kể cả không đất) hơn 75%, tỷ lệ phủ xanh trên mặt đất hơn 50%.
Mặc dù đất quý hơn kim cương, nhưng Singapore đã dành đất làm 350 công viên và vườn thực vật.
Mặc dù đất quý hơn kim cương, nhưng Singapore đã dành đất làm 350 công viên và vườn thực vật.
Trong số đó có những công viên rất lớn nằm ngay giữa trung tâm, như Singapore Botanic Garden (630.000m2), Gardens by the bay (940.000m2), đảo xanh Sentosa (5.000.000m2).
Với những khu phố không có cây xanh, chính phủ cho tái cấu trúc, phá bỏ cả khu phố, nén dân cư lại dành đất cho công viên cây xanh. Các dự án chung cư, khu đô thị mới không có tỷ lệ cây xanh đạt yêu cầu sẽ không được cấp phép xây dựng.
Đưa vào luật nếu vi phạm việc xanh hóa
Đưa vào luật nếu vi phạm việc xanh hóa
Ông Lý Quang Diệu nhận thức cách mạng xanh chỉ thành công khi có sự tham gia của toàn dân. Ông phát động "Ngày trồng cây quốc gia" vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11 hàng năm. Ngày này trở thành ngày truyền thống quốc gia và là ngày hội thực sự của người dân Singapore.
Ông Lý được tôn là "vườn trưởng" như cách gọi thân mật của người dân, và ông chưa từng vắng mặt một ngày trồng cây nào cho đến khi qua đời. Ông là nguồn cảm hứng trồng cây xanh cho người dân Singapore, khiến họ cảm thấy tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm khi được sống trong không gian xanh rộng lớn.
Người dân Singapore rất tự hào về quốc gia xanh của mình và hào hứng tham gia công cuộc xanh hóa từng căn hộ, góc phố, cộng đồng. Họ đã tạo ra các hình thái “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ban công”, “vườn sân thượng” và đưa màu xanh lên cao theo chiều thẳng đứng.
Để chiến lược xanh tồn tại lâu dài và bền vững, chính phủ Singapore lập ra các cơ quan quản lý chuyên về cây xanh. Ủy ban Vườn quốc gia (National Parks Board) là cơ quan quản lý thống nhất mảng xanh toàn quốc gia, ngoài ra còn có các tổ chức xã hội rộng lớn được kết nối khối liên minh PPP: Nhà nước - Tư nhân - Cộng đồng, cùng nhau chung tay phát triển quốc gia xanh.
Singapore đã xây dựng quỹ TP vườn, chương trình Tình nguyện xanh, xây dựng các nhóm cộng đồng, trường học, doanh nghiệp và các công ty gắn kết chặt chẽ với các trung tâm sinh thái và mảng xanh của nhà nước.
Singapore có các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu về cây xanh lớn nhất thế giới. Nơi đây ra đời các loại giống cây trồng phù hợp với thời tiết, khí hậu của Singapore đảm bảo chịu được giông bão, sử dụng ít nước, không phá hỏng công trình xây dựng và không độc hại.
Theo Cơ quan Công viên quốc gia Singapore, hiện cả nước có hơn 2.000 loài thực vật khác nhau (tất cả đều được lưu trữ nguồn gen) với hơn 2 triệu cây xanh phủ bóng mát cho hơn 70% diện tích đất nước.
Cùng với đó là những quy định đưa vào các bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Cư trú, Luật Dân sự để khuyến khích và trừng phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm việc xanh hóa. Theo Luật Công viên và cây xanh của Singapore, công dân không thể đốn hạ bất kỳ cây nào đang sinh trưởng trên vùng đất được quy hoạch bảo tồn cây xanh, trừ phi được Hội đồng các công viên quốc gia (NParks) cho phép. Người vi phạm phải nộp phạt 2.000USD cho NParks, thậm chí lên tới 50.000USD nếu bị tòa án phán quyết.
Bởi những quy định ngặt nghèo này, tình trạng chặt cây hầu như không xảy ra. Theo NParks, trong 5 năm (2.000-2005) chỉ có 40 cây bị đốn hạ không được phép, 37 người đã bị phạt với mức trung bình 2.000USD/cây.
Trong cuốn hồi ký "Từ Thế giới thứ Ba đến Thế giới thứ Nhất", ông Lý nói một trong các điều ông tự hào nhất đóng góp cho đất nước là kế hoạch "Phủ xanh TP” và truyền được cảm hứng cho mỗi người dân Singapore.
Tiến trình xanh hóa Singapore là thí dụ tốt cho TPHCM trong quá trình hướng tới mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở TP đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4m2/người, qua đó bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của TPHCM.
Những quy định đưa vào các bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Cư trú, Luật Dân sự để khuyến khích và trừng phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm việc xanh hóa. Người vi phạm phải nộp phạt 2.000USD, thậm chí lên tới 50.000USD nếu bị tòa án phán quyết. |