Vì sao thu hút FDI 'ngược dòng' trước các biến động?

(ĐTTCO) - Không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, kinh tế toàn cầu đang khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là vào giai đoạn nước rút cuối năm 2023
Vì sao thu hút FDI 'ngược dòng' trước các biến động?

Bất ngờ bứt tốc

Năm ngoái, dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn trên toàn thế giới, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư. Nguyên nhân do xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới, áp lực lạm phát, giá cả bùng nổ ở nhiều quốc gia, thậm chí các siêu cường kinh tế cũng không tránh khỏi cơn bão lạm phát vào năm 2022.

Đó là chưa kể các yếu tố có tính chất toàn cầu khác, như nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, điều kiện tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng chưa thực sự được khắc phục. Theo báo cáo Đầu tư Thế giới tại Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu năm 2022 ước đạt 1.300 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2021.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Sau nhiều năm là “điểm sáng” của nền kinh tế, vào năm 2022 FDI đổ vào Việt Nam bất ngờ giảm khá mạnh. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Dù vậy, tín hiệu được coi là khả quan khi vốn FDI tại Việt Nam năm 2022 thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2021.

Bước sang nửa đầu năm 2023, xu hướng thận trọng tiếp tục ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư toàn cầu và tác động rất mạnh tới Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong quý I-2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sang quý II, tình hình thu hút vốn FDI có sự cải thiện nhưng nhìn chung vẫn ảm đạm. Tính tới hết quý II, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên từ quý III, dòng vốn FDI bất ngờ chảy mạnh vào Việt Nam. Tổng vốn FDI đăng ký tính tới cuối tháng 9 đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, tức chỉ trong 3 tháng tăng tới 6,78 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Bước sang tháng đầu tiên của quý IV, vốn FDI tiếp tục tăng mạnh.

Tính đến ngày 20-10, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, tức chưa đầy 1 tháng đã tăng hơn 5 tỷ USD; vốn thực hiện 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng tốc này, dự báo kết thúc năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có thể vượt 30 tỷ USD và vốn thực hiện có thể đạt mức kỷ lục trên 22 tỷ USD.

Nhà đầu tư tin tưởng môi trường đầu tư

Theo đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu; đồng thời là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực. Theo JETRO, nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hóa, công nghệ thông tin rất vững chắc.

“Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai” - một chuyên gia của JETRO nhận định.

Trong khi đó, ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham), đánh giá bối cảnh toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 đã đặt ra một số thách thức, khó khăn nhất định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất những chính sách linh hoạt, triển khai các giải pháp thích ứng.

Chính phủ đã thành lập 12 Tổ công tác đặc biệt nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cũng nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.

“Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã đồng hành cùng doanh nghiệp FDI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; tháo gỡ khó khăn; chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp” - ông David Whitehead nhận xét.

Vị đại diện Auscham cũng cho rằng, cộng đồng FDI tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế... góp phần tạo môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC, chia sẻ với vị trí địa lý, chính sách khuyến khích về kinh tế và ổn định chính trị đảm bảo, Việt Nam là thiên đường an toàn cho các nhà đầu tư tới thiết lập cơ sở sản xuất mới nhất. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nói với chúng tôi họ sẽ tới Việt Nam với cam kết dài hạn với đất nước này”.

Những cam kết vững chắc của Việt Nam

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 cam kết với nhà đầu tư.

Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Các tin khác