Vì sao TISCO vẫn chưa thoát khỏi thua lỗ, nợ nần?

(ĐTTCO) - Sau 5 năm nằm trong diện tái cơ cấu, đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn chưa thoát khỏi thua lỗ.
Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy cán thép Thái Trung, CTCP Gang thép Thái Nguyên.
Dây chuyền cán thép tự động của Nhà máy cán thép Thái Trung, CTCP Gang thép Thái Nguyên.

Thua lỗ và nợ nần

Báo cáo tài chính quý III của TISCO công bố cho thấy, DN này vẫn chưa thoát “vũng lầy” thua lỗ sau 5 năm liên tiếp tái cơ cấu. Mặc dù là một DN lớn trong ngành thép, nhưng trong nhiều quý gần đây kết quả kinh doanh của DN này luôn trong tình trạng thua lỗ. Gần đây nhất là quý I-2023, TISCO đã lỗ thêm gần 59 tỷ đồng, đánh dấu quý kinh doanh thua lỗ thứ 5 liên tiếp.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, TISCO ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 194 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý III-2023, tổng tài sản của TISCO đạt hơn 10.690 tỷ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn ở mức hơn 2.720 tỷ đồng, có hơn 108 tỷ đồng tiền mặt; khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên đến gần 1.000 tỷ đồng, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 348 tỷ đồng; hàng tồn kho ở mức hơn 1.800 tỷ đồng.

Một điều đáng báo động đối với DN này hiện nay là tổng nợ đã vượt mốc 9.000 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với hồi đầu năm, và gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đang ở mức 4.600 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của DN tăng mạnh gần 105% trong 9 tháng, lên mức 129 tỷ đồng.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến DN tăng lỗ trong quý III năm nay. Theo giải thích của TISCO, nguyên nhân tăng lỗ trong quý III năm nay là do thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán đều giảm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cao.

Gánh nặng TISCO 2

Đáng chú ý, tài sản dài hạn của TISCO gần 8.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (gần 6.543 tỷ đồng) liên quan đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2). Đây là dự án từng mang rất nhiều kỳ vọng nhưng đã “đắp chiếu” hơn 16 năm qua (kể từ khi khởi công vào tháng 9-2007).

Tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là hơn 3.843 tỷ đồng, nhà thầu chính là Công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC). Tuy nhiên, do bối cảnh chung ở thời điểm triển khai dự án gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008, 2011), khiến chi phí tài chính tăng quá cao.

Năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Nhưng đến nay dự án này vẫn “bất động” vì không bố trí được nguồn vốn.

Cũng trong năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã từng góp thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào TISCO, nhằm hỗ trợ thực hiện dự án, nhưng sau 3 năm hết kiên nhẫn, SCIC đã rút toàn bộ phần vốn này.

Trong suốt giai đoạn 2012-2016, TISCO và MCC đã tiến hành 12 cuộc đàm phán, nhưng không giải quyết được các vướng mắc hợp đồng EPC, do có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư. Đến năm 2021, TISCO đề xuất xin thực hiện tiếp dự án với cam kết sẽ bảo đảm dự án hoạt động có hiệu quả sau ít năm.

TISCO cho rằng nếu những tồn tại, vướng mắc của dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm để tái khởi động, công ty sẽ rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động, ước tính hơn 20.000 người, làm mất vốn của Nhà nước gần 1.200 tỷ đồng.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (CMSC) giữa tháng 3-2023, hai bên đã ký kết biên bản đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản, đề xuất của MCC về phương hướng giải quyết, đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể. CMSC đánh giá đây là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán trước đó giữa TISCO và MCC mà không ký kết được bất kỳ văn bản nào.

Hồi cuối tháng 3-2023, đoàn chuyên gia của MCC đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục dự án TISCO 2. Cuối tháng 4-2023, đoàn chuyên gia của MCC đã gửi cho TISCO bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo dự án này.

Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là bước ngoặt quan trọng giúp dự án có thể sẽ sớm tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu”. Tuy nhiên, kết quả thực tế ra sao vẫn chưa rõ ràng. Giới chuyên gia nhận định, nếu dự án TISCO 2 vẫn trì hoãn và kéo dài, dự án này tiếp tục là gánh nặng khổng lồ cho TISCO.

Hiện nay tổng nợ của TISCO đã vượt mốc 9.000 tỷ đồng, gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đang ở mức 4.600 tỷ đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến DN tăng lỗ triền miên. Đã vậy, TISCO còn gánh thêm dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên với phần đội vốn lên 4.200 tỷ đồng so với ban đầu.

Các tin khác