Tổng NK tôm của Mỹ từ các nguồn cung đã chững lại kể từ tháng 5-2022. Nguyên nhân được cho là do tồn kho cao. Các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh cũng khiến NK tôm của Mỹ giảm. Sức mua thủy sản trong đó có tôm tại phân khúc bán lẻ cũng giảm do hiện là mùa hè, người dân có nhiều việc khác để quan tâm hơn.
Lạm phát tại Mỹ khiến người dân chi tiêu dè dặt. Tuy nhiên thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn khi thị trường việc làm Mỹ đang mạnh. Việc làm không thiếu sẽ khiến thu nhập của người dân tốt hơn và có thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng đối với tôm. Dự báo giá tôm tại Mỹ cũng chịu áp lực giảm trong nửa sau năm 2022.
Với thị trường Trung Quốc, sau khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 giảm 17% đạt 38 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 371 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng các quy định về NK vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với các nhà cung cấp từ Ecuador. Ecuador đang có chiến lược đẩy mạnh xuất hàng sang Trung Quốc để bù đắp cho lượng XK sang Mỹ sụt giảm.
Trái ngược với sự sụt giảm ở Mỹ và Trung Quốc thì XK tôm sang thị trường EU trong tháng 7 vẫn tăng 16% so với cùng kỳ, nhờ trợ lực từ Hiệp định EVFTA. XK sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 7 vẫn tăng trưởng khá ổn định 5% và 22%.
Cước tàu tới Nhật Bản và Hàn Quốc không cao như tới các nước phương Tây, lạm phát tại các nước này cũng chưa phải là vấn đề quá căng thẳng. Đây được coi là các yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định trong XK tôm sang các thị trường này.