Diễn đàn Quốc hội cũng rất nóng về vấn đề này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Ủy ban) vừa có báo cáo về kết quả giám sát đối với nội dung này.
Giá SGK ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư
Theo báo cáo giám sát, qua theo dõi việc triển khai thực hiện CT, SGK lớp 1 đầu năm học 2020-2021 (tháng 9, 10-2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.
Đối với SGK, báo cáo cho rằng, việc biên soạn SGK theo chương trình mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đơn cử như Bộ GD-ĐT chưa tổ chức, biên soạn được một bộ SGK GDPT. Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi phải có chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và phải ban hành cơ chế tài chính, bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK theo quy định của Nghị quyết 88.
Đến nay, các quy định này vẫn chưa được ban hành, ảnh hưởng đến giá SGK lớp 1 triển khai cho năm học 2020-2021. Giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 hiện hành khoảng 2-3 lần; một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư, trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Về thẩm định và phê duyệt SGK, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định. Quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, đối với SGK lớp 1 (năm học 2020-2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Trong số các kiến nghị đưa ra sau giám sát, Ủy ban kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK từ lớp 2 đến lớp 12; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; cần có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn để tuyển giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học…
Nếu quy định cụ thể ngữ liệu trong SGK: sẽ chỉ là một cuốn sách!
Việc triển khai CT, SGK GDPT mới vừa qua, bị dư luận phản ánh nhiều vấn đề, cũng là nội dung mà Quốc hội thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến bức xúc. Trong đó, nhiều ý kiến nói, CT GDPT và SGK mới nặng hơn nhiều so với CT và SGK hiện hành.
Tiến sĩ Ngô Thị Minh, người vừa được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, qua giám sát (khi bà đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban) cho thấy, về môn học ở chương trình mới đã giảm rõ rệt. Về số giờ học, chương trình mới ở cấp tiểu học trung bình 1,8 giờ/lớp/buổi (CT cũ là 2,7 giờ/lớp/buổi).
Riêng môn Tiếng Việt, tổng số tiết học cho cả cấp tiểu học chương trình mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết (từ lớp 1 đến lớp 5). Việc tăng số tiết (1 tiết/ tuần) cho lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó các em có được công cụ để học tốt các môn học khác, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
Theo TS Ngô Thị Minh, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép “mỗi môn học có một hoặc một số SGK”. Đây là điểm mới căn bản theo Nghị quyết 29 của Đảng và của Quốc hội mà mỗi giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh cần phải thấm nhuần. Chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động cho các nhà giáo trong việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của CT. Chương trình GDPT xây dựng chuẩn đầu ra cho từng cấp học, còn sử dụng phương pháp nào, học liệu nào, tổ chức ra sao là quyền của nhà giáo và các cơ sở giáo dục. Đây là một sự thay đổi rất lớn về bản chất, vì vậy, rất cần có thời gian và sự đồng hành, đồng thuận của toàn xã hội.
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh đang gặp khó khăn khi tiếp cận SGK mới, vì chúng ta trước đây đều dạy và học theo SGK là pháp lệnh, chưa từng dạy và học bám theo CT mới, nên đã cho rằng, SGK là tối thượng, bất biến; chưa quen với cách nghĩ SGK chỉ là một trong nhiều học liệu, công cụ, phương tiện để thực hiện CT. Do đó, chưa quen với việc mỗi nhóm tác giả có quyền chủ động sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau mà họ tin là có thể giúp thầy và trò thực hiện tốt nhất mục tiêu CT đặt ra”, TS Ngô Thị Minh nói.
Đồng thời, TS Ngô Thị Minh cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT quy định cụ thể cả dữ liệu đưa vào SGK để yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia sử dụng nó làm phương tiện thẩm định, thì nhiều SGK trên thực tế sẽ chỉ là một sách, sẽ mất ý nghĩa và mục đích mà CT mới đang hướng tới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là một môn học có thể có nhiều SGK. Như vậy, mục tiêu xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ không thể đạt được.