Nếu không thăm khám và điều trị sớm, bệnh viêm dạ dày có thể dẫn đến xuất huyết, thủng dạ dày và tệ hơn là ung thư dạ dày.
Nguyên nhân và biểu hiện bệnh
Trước hết phải nhắc đến những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày bao gồm: Nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn HP - là một trong những tác nhân quan trọng nhất gây bệnh viêm dạ dày). Vi khuẩn HP sống trong niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra chất urease. Chất này chính là nguyên nhân gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Sử dụng lâu dài các thuốc Aspirin, thuốc kháng viêm giảm đau, corticoid.
BS.CKI Thái Bảo Cường,
Bệnh Viện Y học Cổ truyền TPHCM
Bệnh Viện Y học Cổ truyền TPHCM
Thói quen ăn không đúng bữa, ăn nhiều thức ăn cay nóng, sử dụng chất kích thích rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá, stress. Trong đó đáng lưu ý là nhóm nguyên nhân về thói quen ăn không đúng bữa cũng như sử dụng chất kích thích, stress… khá nhiều người mắc phải. Cuộc sống hiện đại đầy bận rộn dễ đẩy mọi người vào guồng quay của công việc dẫn đến việc thức khuya, ăn không đúng bữa rồi bị căng thẳng do áp lực công việc kéo dài sẽ khiến bệnh âm thầm tấn công.
Những biểu hiện bệnh thường thấy như: Đau âm ỉ vùng thượng vị hay từng cơn, có thể kéo dài vài phút hay vài giờ, thường xuất hiện khi đói hay vào ban đêm, ợ hơi, ợ chua, ăn không tiêu, ăn kém, sụt cân… đối với các trường hợp có trào ngược dịch vị thì người bệnh sẽ có cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, hơi thở có mùi hôi. Đau nhiều có thể dẫn đến mất ngủ, ngủ chập chờn.
Khi xuất hiện bất cứ triệu chứng bệnh nào kể trên người bệnh không nên chủ quan, cũng không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa dạ dày để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời. Vì viêm dạ dày nếu không được điều trị đúng, đủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể, nếu không được điều trị hợp lý dẫn đến đau nhiều gây ăn kém, sụt cân, mất ngủ giảm khả năng tập trung trong công việc, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể. Lâu dài có thể gây loét, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày.
Thông thường với người nghi bị bệnh viêm dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau để xác định bệnh chính xác: Nội soi dạ dày tá tràng, sinh thiết niêm mạc qua nội soi, xét nghiệm mô bệnh học để xác định chẩn đoán, phân loại, đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Xét nghiệm chẩn đoán HP, clo test, xét nghiệm miễn dịch, urea breath test.
Điều trị và dự phòng
Điều trị và dự phòng
Viêm dạ dày cũng như hầu hết các bệnh khác, sẽ tùy vào tình hình bệnh cụ thể của từng bệnh nhân để bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý cho bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh viêm dạ dày. Trong đó, bệnh nhân cần thay đổi để có lối sống phù hợp. Tránh tuyệt đối thức ăn gây tổn thương niêm mạc dạ dày: Rượu bia, thuốc lá, thức ăn có nhiều gia vị chua cay, giảm ăn chất béo. Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa không nên ăn quá no. Đặc biệt nên tránh suy nghĩ căng thẳng, stress. Bệnh nhân không nên tự ý ngừng điều trị khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm mà phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp điều trị theo Y học cổ truyền bao gồm thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, nhĩ châm. Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng các nhóm thuốc: Giảm tiết acid dịch vị dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày, kháng sinh nếu nhiễm HP, giảm đau chống co thắt.
Bên cạnh đó, mọi người có thể dự phòng để tránh bị bệnh. Theo đó, mỗi người cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, stress, tránh sử dụng các chất kích thích rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá… Ngoài ra, nếu có thể thì nên hạn chế sử dụng kháng viêm giảm đau khi không thực sự cần thiết. Đặc biệt, khi có bất cứ biểu hiện nào của bệnh viêm dạ dày, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, cũng không tự ý ngưng điều trị khi thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm, việc này sẽ làm cho quá trình điều trị có thể bị kéo dài hơn.