Nhìn từ trên cao, hồ Cấm Sơn giống một con “bọ cạp xanh khổng lồ” bám vào mảnh đất Lục Ngạn (Bắc Giang), một phần nhỏ ở Hữu Lũng, Chi Lăng (Lạng Sơn). Hồ nước quanh năm trong xanh, như tấm gương phản chiếu mây trời, núi rừng hùng vĩ, thơ mộng. Đi thuyền trên sóng nước mênh mông hay dạo bước cung đường ven hồ, du khách đều được chiêm ngắm bức tranh phong cảnh tươi đẹp, nét văn hóa đặc sắc, ấn tượng.
Vẻ đẹp bốn mùa
Tôi đã may mắn được tới hồ Cấm Sơn du ngoạn vào nhiều thời điểm để nhận ra vẻ đẹp nơi đây suốt bốn mùa. Vào những ngày hè oi nóng, hồ Cấm Sơn trong lành, mát mẻ như “vịnh Hạ Long trên núi” cho du khách rong thuyền giải nhiệt. Mùa thu đến, nước hồ Cấm Sơn xanh trong như viên ngọc bích giữa núi rừng Lục Ngạn. Khi đông về, xuân tới những màn sương mờ nhân ảnh khiến Cấm Sơn đẹp mộng mị, huyền ảo…
Bởi thế Cấm Sơn đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Phó Đức Phương viết bản tình ca “Hồ trên núi” bất hủ: Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi / Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi / Ai đắp đập, ai phá núi / Cho hồ nước đầy (là) mặt gương soi / Non xanh (mà) nước biếc (ối a) / Khoan nhặt mái chèo (hừ là), khoan nhặt mái chèo (ối a). Theo câu hát du dương ấy, chúng tôi bắt đầu xuống bến thuyền bên hồ ở xã Sơn Hải, Lục Ngạn. Chàng trai trẻ Giáp Đức Long nhanh nhẹn mời mọi người lên thuyền, hướng dẫn khách mặc áo phao, yên vị để bắt đầu chuyến du sơn ngoạn thủy. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã lạc vào miền cảnh sắc non nước hữu tình mênh mang.
Thảnh thơi ngồi ngắm cảnh trên mặt hồ rộng hơn 3.000ha, gió thổi mát rượi, khiến nhiều du khách thích thú, hoan hỉ. Ở khoảng nước mênh mông giữa hồ, con thuyền như lạc vào miền trong xanh vời vợi. Cuối thu, đầu đông, hồ Cấm Sơn hiện ra như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu bức tranh rừng núi thơ mộng, cùng những áng mây trắng lãng đãng trên nền trời. Chốc chốc, thuyền lại đi qua một hòn đảo nhỏ không có dân sinh sống. Nơi ấy chỉ là bụi cây xanh ẩn hiện xa xa trên sóng nước, bỗng khiến tâm hồn ai đó xao động.
Trong màn sương mờ sáng mùa đông-xuân, du khách đi trên hồ có thể bắt gặp cảnh tượng thú vị về những con thuyền đánh cá. Hàng loạt chiếc thuyền nhỏ thả lưới đánh cá. Những hôm không quá rét, có hàng trăm ngư dân ở 4 xã ven hồ đi đánh cá mưu sinh. Anh Hà Văn Ngân, một ngư dân mưu sinh lâu năm trên lòng hồ Cấm Sơm tâm sự: “Bọn anh đi đánh cá trên hồ quanh năm, lượng cá hiện nay đã giảm đi nhiều, nhưng đây vẫn là nghề cho thu nhập của nhiều hộ dân vùng cao này. Hồ Cấm Sơn đặc biệt nhiều cá chép, cá tầm… Kéo lưới được con 4-5kg là chuyện bình thường”. Anh Ngân vui tính, hồn hậu tiếp chuyện mấy người khách chúng tôi. Dáng tay ngư phủ chèo khỏe mạnh rẽ nước trên hồ để lại ấy tượng sâu đậm trong chúng tôi. Dù cuộc sống đầy gian khó, nhưng họ vẫn rất tự tin, lạc quan, vui vẻ.
Trên thuyền, chàng trai Đức Long cho biết trước đây gia đình mình cũng làm nghề đánh cá, chài lưới trên hồ. Vài năm gần đây do nhu cầu của khách tham quan tăng, nên gia đình Long chuyển hướng mưu sinh, mở dịch vụ cho thuê thuyền dạo hồ. Nhà thuyền sẽ đón khách ở cả bến tại xã Sơn Hải lẫn bến xã Hòa Lạc, Hữu Lũng (Lạng Sơn). Một chuyến thăm quan hồ Cấm Sơn bằng thuyền có thể kéo dài 3-4 giờ. Du khách nếu có nhu cầu ăn uống thuyền sẽ đưa vào đảo ông Kiên. Gọi tên đảo vậy bởi ông Giáp Trọng Kiên đã ra đảo khai hoang, lập nghiệp từ hàng chục năm trước.
Ở đảo chúng ta sẽ có những phút nghỉ ngơi thư giãn tuyệt vời bên chiếc võng mắc bên gốc cây. Bữa ăn chúng tôi được thưởng thức vô cùng ngon miệng với cá hồ, gà chạy bộ, rau su su luộc, với giá rất bình dân. Du khách còn được ông Kiên và những thành viên trong gia đình kể cho nghe nhiều câu chuyện sự tích gắn với các địa danh như: Núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, đảo Lăn Lóc… trên vùng hồ Cấm Sơn.
Mang vẻ đẹp non nước hữu tình, nên chẳng khó hiểu khi nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã chọn hồ Cấm Sơn là điểm đến khám phá, dã ngoại cuối tuần. Đến xã Sơn Hải, Tân Sơn, Cấm Sơn (Lục Ngạn) hay Hòa Lạc (Hữu Lũng) du khách đều có thể thuê được thuyền dạo hồ. Nhiều nhà thuyền đã trang bị đầy đủ chỗ ngồi, áo phao… cho khách với giá vé bình dân.
Ấn tượng văn hóa bản địa
Ấn tượng văn hóa bản địa
Rời thuyền, chúng tôi bắt đầu lang thang trên cung đường để khám phá những nét ấn tượng trong văn hóa, cuộc sống của cư dân bản địa nơi đây. Cung đường đèo uốn lượn, lên xuống theo lòng hồ Cấm Sơn từ xã Sơn Hải, sang Hộ Đáp tới Tân Sơn, Cấm Sơn cũng rất lý thú với người mê phượt. Rừng cây xanh thẳm và bên dưới là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải chạy ra tận mép nước như họa lên bức tranh phong cảnh, cuộc sống tươi đẹp.
Đứng từ trên đỉnh một con đèo, đưa tầm mắt về phía xa chúng tôi thấy thấp thoáng một vài chòm xóm với những mái nhà tường trình mái ngói đơn sơ. Xung quanh hồ và trên các đảo, có sự định cư lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan... Các dân tộc trong đó đặc biệt người Tày ở vùng hồ Cấm Sơn vẫn giữ được nét đẹp văn hóa trong kiến trúc nhà ở.
Chúng tôi quyết định vào tham quan thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải. Cư dân ở đây chủ yếu là người Tày. Dạo quanh thôn, mọi người có thể dễ dàng nhận ra những ngôi nhà tường trình đắp đất vàng ươm, trên lợp loại ngói âm dương. Một số căn nhà đã xây lâu đời, đã xuống cấp người dân không còn sinh sống. Những bức tường đất, vài ô cửa thì vẫn còn đây, như một bảo tàng kiến trúc ngoài trời ấn tượng.
Anh Giáp Trọng Phụ ở thôn tâm sự với chúng tôi: “Có rất ít hộ gia đình ở đây xây được nhà gạch, vì thế bà con vẫn chung thủy với nhà tường trình truyền thống. Nhà tường trình rất mát vào mùa hè, ấm cúng khi trời đông, khá bền với thời gian”. Chúng tôi may mắn được xem một hộ dân ở đây làm nhà tường trình từ những công đoạn ban đầu như trộn, nhào đất với ít sỏi, sau đó cho vào khuôn gỗ ép để làm thành từng bức tường… Ngoài ra, nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở ven hồ hay trên một số đảo vẫn dựng nhà sàn bằng gỗ để sinh sống. Đặc biệt một số gia đình đã biết tận dụng kiến trúc nhà sàn gỗ để mở quán phục vụ du khách các bữa ăn đậm đà hương vị bản địa. Được thưởng thức chén rượu men lá Kiên Thành cùng miếng gà đồi nướng, cá sông hấp… giữa thiên nhiên hoang sơ làm du khách nhớ mãi nơi này.
Do có sự định cư của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa độc đáo riêng, nên vùng lòng hồ Cấm Sơn như một kho tàng văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh đến khám phá. Nếu du khách đến vào dịp mùa xuân hay các thời điểm trọng đại của đồng bào dân tộc, sẽ được gặp những chàng trai, cô gái người Nùng vận trang phục nâu chàm truyền thống hát Sli, hát Lượn, hát Soong Hao… Đặc biệt như ở xã Tân Sơn bên hồ, có đến 80% dân số là người Nùng. Ở đây có những CLB, hội nhóm hát các làn điệu truyền thống của dân tộc. Không chỉ nam thanh, nữ tú mà đến những ông, bà cao tuổi cũng say sưa chơi đàn tính, hát then…
Theo chính quyền địa phương các xã ven hồ cho biết, du lịch Cấm Sơn đang khởi sắc từng ngày. Đã có nhiều đoàn du khách từ Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội… đến đây dã ngoại, thuê thuyền. Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn cho khách đi tham quan, vấn đề xử lý rác thải du lịch bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cũng đang được cơ quan chức năng tuyên truyền, quản lý. Tuy nhiên, đến nay du lịch hồ Cấm Sơn hiện vẫn ở dạng sơ khai, như nàng công chúa ngủ trong rừng đang dần được đánh thức. Ở đây vẫn cần một hệ thống homestay, nhà nghỉ để phục vụ du khách có nhu cầu qua đêm… Nếu muốn nghỉ lại, đón ánh bình minh tuyệt vời mỗi sáng trên hồ, du khách hiện có thể mang theo lều để cắm trại hoặc xin ngủ ở nhà dân trong thôn bản ven bờ, ngoài đảo…