Đến ngày 24/6, đã 69 ngày Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn chưa khống chế được dịch Covid-19, điều này đã thể hiện việc phòng chống dịch của nước ta vẫn đảm bảo, đồng thời khẳng định nỗ lực rất lớn của ngành y tế nước ta.
PGS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, Việt Nam đang làm tốt việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập bằng việc cách ly tất cả người về từ nước ngoài. Các ca bệnh mới được ghi nhận đều là người nhập cảnh, được cách ly ngay nên không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện chính quyền địa phương một số nơi và người dân đã có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh. Một số địa phương không thực hiện nghiêm ngặt những hướng dẫn giám sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Người dân chủ quan không còn đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn...
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), sự chủ quan lúc này được cho là nguy hiểm bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng nghĩa nguy cơ với Việt Nam vẫn luôn tồn tại. Ông Phu cho rằng, diễn biến Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc và tại một số nơi như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) các ca nhiễm có dấu hiệu tăng đột biến trở lại chính là cảnh báo, bài học cho nước ta.
“Dịch Covid-19 ở Bắc Kinh trước đây không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ và đã dập được ngay. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng, người dân tưởng chừng có thể yên tâm về dịch bệnh thì một đợt dịch Covid-19 mới lại bùng phát. Đây là bài học cho Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh”- ông Phu cho biết.
Theo các chuyên gia, trong đại dịch Covid-19, vai trò của y tế dự phòng rất quan trọng. Nếu chúng ta không làm tốt công tác này cũng như các biện pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu, nhiều tình huống xấu hơn như có ca tử vong, vỡ trận hệ thống như một số nước đã có thể xảy ra. Ông Phu cho rằng, trong thời gian tới, cần đầu tư nhân lực, máy móc và các cơ sở vật chất từ trung ương đến địa phương để công tác y tế dự phòng tốt hơn.
“Các bệnh hô hấp như Covid-19 phụ thuộc vào con người, nếu làm tốt dịch sẽ được khống chế, nếu không tốt, dịch sẽ bùng lên”- ông Phu chia sẻ.
Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, cần phải luôn luôn có sự chủ động, để có thể có những giải pháp đúng đắn như ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch... Hiện nay, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 lưu hành trong cộng đồng mà chỉ xuất hiện các ca bệnh nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, trong tình hình mới, nước ta cần làm tốt việc duy trì kiểm soát chặt với bên ngoài và phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng (nếu có) bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện cần khoanh vùng ngay, tránh lây lan.
Người nhập cảnh cần cách ly đủ 14 ngày. Các chuyên gia đến Việt Nam làm việc cần được tổ chức lưu trú một nơi riêng biệt, đảm bảo giãn cách 2 m khi hội họp, xét nghiệm hai ngày một lần. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện "bình thường mới" như đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi có nguy cơ, rửa tay, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế.