Trong buổi tiếp nhận văn kiện gia nhập chính thức của Việt Nam, ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO, đã hoan nghênh việc Việt Nam tham gia Hiệp ước Marrakesh. Với tư cách thành viên mới của Việt Nam, số thành viên của hiệp ước này đã tăng lên 117 quốc gia.
Hiệp ước Marrakesh được thông qua vào ngày 27-6-2013 và có hiệu lực vào ngày 30-9-2016. Hiệp ước này do WIPO quản lý, giúp việc sản xuất và chuyển giao quốc tế những cuốn sách được điều chỉnh đặc biệt dành cho người mù hoặc khiếm thị dễ dàng hơn bằng cách thiết lập một loạt các giới hạn và ngoại lệ đối với luật bản quyền truyền thống.
Việt Nam chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Nguồn: WIPO
Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam ở cả khía cạnh thực hiện các cam kết đối với quốc tế (nhân quyền, bản quyền, sở hữu trí tuệ) cũng như mang lại cho cộng đồng những người khuyết tật ở Việt Nam nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng cơ hội học tập, giáo dục và giải trí.
Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và người thị lực kém, chiếm 13,84% người khuyết tật. Dù vậy hiện các ấn phẩm, tài liệu mà người khuyết tật nhìn có thể tiếp cận còn ít, chỉ có khoảng 12.000 người khuyết tật nhìn sử dụng dịch vụ thư viện, chiếm 0,6%.
Do đó, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ góp phần tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như audio, chữ nổi, văn bản điện tử… bởi hiệp ước quy định ngoại lệ cho phép tạo ra các bản sao dễ tiếp cận cho người khuyết tật nhìn, có nghĩa là không cần sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
Đồng thời, quy định ngoại lệ cho phép phân phối định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật nhìn kể cả truyền dẫn kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp người khuyết tật nhìn thuận lợi hơn trong tiếp cận các tác phẩm, tạo sự bình đẳng và hoà nhập cộng đồng.
Trước đó, theo cam kết tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), Việt Nam có nghĩa vụ gia nhập Hiệp ước Marrakesh trong thời hạn 5 năm kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực (kể từ ngày 1-1-2022).