PHÓNG VIÊN: - Theo ông, khi chưa là nền KTTT sẽ tác động đến kinh tế nói chung cũng như thương mại nói riêng của DN Việt Nam và Mỹ ra sao?
TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT: - Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế hai nước mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN hai nước. Bởi với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới (1986-2024), Việt Nam đã được 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận là nền KTTT, trong đó có những quốc gia có thể chế kinh tế, chính trị tương đồng với Mỹ.
Đối với Việt Nam, việc chưa được Mỹ công nhận là nền KTTT cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà ngay cả DN Mỹ cũng chịu thiệt hại, bởi hiện rất nhiều DN Mỹ đang hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như đặt hàng các DN Việt Nam, trong đó bao gồm cả những mặt hàng truyền thống từ nông, thủy sản đến dệt may, đồ gỗ, da giày, cho đến những mặt hàng cao cấp và có giá trị cao như điện thoại, thiết bị máy móc điện tử.
Đặc biệt những mặt hàng điện tử có giá trị cao, không chỉ là những nhà trung gian mà là những nhà sản xuất trực tiếp như: Apple, Microsoft, Google… đều đã kết nối trực tiếp làm việc với các DN Việt Nam. Theo đó, sẽ làm thiệt hại cho chính các DN Mỹ và các DN Việt Nam khi làm ăn với nhau, DN 2 bên sẽ phải chịu những chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn so với việc Việt Nam được công nhận là nền KTTT. Khi chịu hao tổn về chi phí, có thể DN sẽ chuyển sang các thị trường khác ngoài Việt Nam mà có tính cạnh tranh cao.
- Ông có thể nói cụ thể hơn những khó khăn DN phải đối mặt, và có thể định lượng không?
- Đối với DN Việt Nam, quy trình xuất khẩu hàng hóa, thông quan hàng hóa vào Mỹ sẽ lâu hơn, phức tạp hơn và chi phí tuân thủ các quy trình, thủ tục sẽ nhiều hơn so với các nước có mặt hàng tương đối cạnh tranh đối với Việt Nam. Định lượng thiệt hại cụ thể thì khó nói, nhưng thiệt hại gián tiếp rất nhiều.
Thứ nhất, thiệt hại tưởng vô hình nhưng lại rất lớn, đó là sự khó khăn của DN Việt Nam trong tiếp cận thị trường, sự phân biệt đối xử giữa các hàng hóa, nhất là hàng hóa cùng nguồn gốc từ Việt Nam vào thị trường Mỹ hoặc các thị trường khó tính khác.
Thứ hai, sự tuân thủ và chi phí tuân thủ cũng như phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ bị đe dọa chống bán phá giá cũng như sự phân biệt đối xử khác.
Thứ ba, nếu phải đưa vào diện phải chịu thuế hoặc bị đưa vào các vụ kiện chống bán phá giá, những chi phí theo đuổi sẽ rất là tốn kém và mất thời gian. Điều này chắc chắn không chỉ các DN trong nước, mà ngay cả các DN FDI đang làm ăn ở Việt Nam, cũng phải chịu tác động như vậy.
- Một điều dư luận quan tâm là tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia có cơ chế kinh tế như Việt Nam, nhưng lại đã được Mỹ công nhận là KTTT, ông nhận xét thế nào về điểm này?
- Nhìn vào bức tranh chung, có thể nói các nước Đông Nam Á, đã hội nhập vào kinh tế toàn cầu rất sâu rộng và hiệu quả. Thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ không chỉ nhìn thị trường hơn 100 triệu dân Việt, mà họ còn nhìn vào thị trường hơn 700 triệu dân của Đông Nam Á có sự tương đối tương đồng nhau về cách quản trị và cơ chế vận hành của các quốc gia ASEAN.
Vì vậy mới có khối mậu dịch chung ASEAN. Tôi cho rằng, các nước ASEAN khi nhìn vào cơ chế, chính sách cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam họ cũng nhận thấy sự tương đồng. Do đó, sẽ rất khó có thể đưa ra lời giải thích sao cho phù hợp khi Mỹ công nhận một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là nền KTTT, trong khi lại từ chối Việt Nam.
- Sau gần 40 năm đổi mới, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông Việt Nam có xứng đáng được công nhận là một quốc gia có nền KTTT không?
- Trước hết chúng ta phải thấy rằng, để xác định Việt Nam là một nền KTTT có rất nhiều tiêu chuẩn, các đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ bình diện quốc tế, chúng ta đã thấy một cách rất rõ ràng, là nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã công nhận Việt Nam là một nền KTTT.
Ngoài ra, với việc các thể chế toàn cầu về kinh tế, đặc biệt những thể chế toàn cầu có định hướng tự do về kinh tế, Việt Nam không những tự do mà tự do ở mức cao với những tiêu chí khắt khe hơn, và là thành viên tham gia một cách tích cực. Lấy thí dụ như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay các Hiệp định thương mại song phương và đa biên, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được với tư cách thành viên của thế giới về mặt thể chế KTTT.
Còn xét ở góc độ là các nghiên cứu, công bố về cải cách nền kinh tế nói chung và thể chế kinh tế nói riêng, rất nhiều báo cáo có trách nhiệm minh bạch, công khai của các tổ chức quốc tế lớn như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), và một loạt các tổ chức kinh tế thế giới, đã công nhận gần 40 năm cải cách của Việt Nam có những tiến bộ vượt bậc.
Các chỉ số xếp hạng của Việt Nam luôn đạt được mức độ cao. Nếu như nhìn từ mức độ phát triển kinh tế nói chung và phát triển KTTT nói riêng, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Và thực tiễn tất cả những tiêu chí về tỷ trọng các thành phần kinh tế, cho đến sự đóng góp của các lực lượng kinh tế trong nền kinh tế, đều có thể so sánh tương đồng với những nước đã được công nhận là nền KTTT.
- Xin cảm ơn ông.
Các DN FDI cũng cần phối hợp, hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục giải trình, đấu tranh với Bộ Thương mại Mỹ, để làm sao sau 9 tháng nữa sẽ đến kỳ hạn, Việt Nam sẽ có được cái nhìn toàn cảnh hơn, công bằng hơn, khách quan hơn không chỉ từ phía Chính phủ Mỹ, mà còn của các quốc gia khác đối với nền KTTT của Việt Nam.