Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.
Yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Việc chống dịch phải tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.
Về xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP. Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể.
Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời.
"Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30-9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả", Thủ tướng yêu cầu.
Theo đó, những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng lưu ý các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn. Do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh phải có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vaccine”.
Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu phải kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa. Các địa phương phải hết sức linh hoạt, không được ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa. Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch.
"Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân. Để người dân hiểu dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh nhưng phòng dịch tốt thì tránh được lây nhiễm, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa thì vẫn tránh được tử vong, giảm được tử vong”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng tiếp tục nhắc lại và nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên.
Ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết. Phải tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch Covid-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…
Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế - Tiểu ban Y tế xây dựng kế hoạch chủ động về vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế cho năm 2022, trên cơ sở đó bố trí ngân sách phù hợp, tiết kiệm.
Bộ Giáo dục Đào tạo và các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức cho học sinh đi học an toàn, những nơi đã an toàn thì cho học sinh học hành bình thường.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng chống dịch, để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.
Báo cáo về ứng dụng PC-COVID, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, thống nhất tất cả các ứng dụng hiện có theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, để ứng dụng này hoạt động hiệu quả thì dữ liệu là rất quan trọng.
Ứng dụng sẽ kết nối liên thông dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, dữ liệu bảo hiểm xã hội, xác thực thông tin về người dân qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Sắp tới, có thể có tới hàng triệu giao dịch xác thực mỗi ngày qua ứng dụng này, do đó cần bảo đảm thực hiện trơn tru.