Việt Nam - EU: Vì sao chưa đạt được thỏa thuận FTA?

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho DN Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, hai bên chưa đạt được thỏa thuận để đi đến vòng đàm phán chính thức.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho DN Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, hai bên chưa đạt được thỏa thuận để đi đến vòng đàm phán chính thức.

ĐTTC đã phỏng vấn ông NGUYỄN CẢNH CƯỜNG, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính khiến việc đàm phán FTA chính thức giữa Việt Nam - EU vẫn chưa được tiến hành?

Ông NGUYỄN CẢNH CƯỜNG: - Sau khi công thức đàm phán FTA giữa EU - ASEAN không thành công, EU đề xuất đàm phán FTA với một số nước thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Khi đặt vấn đề đàm phán FTA giữa Việt Nam - EU, hai bên đã giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu những điều kiện thích hợp để thực hiện. Sau đó Bộ Công Thương cũng nghiên cứu và đề xuất những việc cần phải làm để trình Chính phủ nhằm thông qua kế hoạch đàm phán.

Nhưng vấn đề còn vướng mắc ở chỗ EU đưa ra một mô hình mới mà Việt Nam chưa thể tiếp nhận. Chẳng hạn EU yêu cầu hai bên phải đàm phán và thỏa thuận về mức độ, quy mô, phạm vi và những nội dung trước, để sau này sẽ đưa vào FTA. Phía Việt Nam cho rằng khi hai bên chưa chính thức đàm phán, không bên nào có thể ràng buộc bất cứ vấn đề gì.

Bên cạnh đó, đoàn đàm phán phía EU gần đây cũng có sự thay đổi về nhân sự. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề tiến triển chậm hơn mong muốn. Tuy nhiên cả hai bên vẫn khẳng định quyết tâm đàm phán, các chuyên gia sẽ tìm ra giải pháp linh hoạt để khắc phục bất đồng, không để cho tiến trình, kế hoạch đàm phán kéo dài.

- Theo ông, khi chưa thể có được FTA với EU, Việt Nam còn phải đối mặt với những rào cản nào?

- Trong rào cản thương mại hiện nay, có rào cản thuế quan và phi thuế quan. Về rào cản thuế quan, hiện nay mức thuế nhập khẩu có trọng số của EU đối với hàng Việt Nam bình quân khoảng 7%. Nhưng theo gợi ý của EU, EU có thể mời chào giảm thuế đến 0% cho 90% khoản thuế. Đối chiếu với mức thuế hiện nay, việc giảm từ 7% xuống 0% là sự thay đổi rất lớn đối với nhiều loại hàng hóa nước ta và điều này sẽ giúp sản phẩm Việt Nam có thêm khả năng cạnh tranh tại thị trường EU.

Còn rào cản thương mại phi thuế quan chúng ta đang gặp phải là trình độ phát triển và quản lý của Việt Nam và EU có sự khác biệt rất lớn, nên các DN xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có sản phẩm DN Việt Nam cho rằng đã đạt yêu cầu nhưng EU lại thấy chưa đạt, vì tiêu chuẩn của họ cao hơn. Chẳng hạn đối với hàng thủy sản, EU yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về quy trình quản lý toàn bộ từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, gây khó cho DN nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam với tư cách là một nhà xuất khẩu, sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Như vậy, mặc dù tiêu chuẩn của EU cao hơn rất nhiều nhưng chúng ta phải phấn đấu để đáp ứng.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU?

Khi có được FTA với EU, mặt hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường EU phải đạt tiêu chuẩn rất cao, từ quy trình quản lý môi trường đến chế biến và xuất khẩu. Ảnh: LÃ ANH

Khi có được FTA với EU, mặt hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường EU phải đạt tiêu
chuẩn rất cao, từ quy trình quản lý môi trường đến chế biến và xuất khẩu. Ảnh: LÃ ANH

- Hiện nay, có những sản phẩm của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy sản… đang có khả năng cạnh tranh rất lớn tại EU, không  thua kém các nước khác, đây là những sản phẩm có thứ hạng trên thế giới, thậm chí theo quan điểm của một số DN của EU, những sản phẩm này có thể gây ra sức ép cạnh tranh đối với các ngành công nghiệp một số nước thành viên EU, khiến họ phải kêu gọi sự bảo hộ, giúp đỡ từ EU.

Ngoài ra, Việt Nam có những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh rất tự nhiên EU không có hoặc có ít nhưng nhu cầu sử dụng rất lớn như cao su thiên nhiên, cà phê, tiêu, điều, thủ công mỹ nghệ... Năng lực sản xuất của Việt Nam đối với những sản phẩm này còn rất nhiều, vì vậy, nếu điều kiện tiếp cận EU thuận lợi hơn, các ngành nghề này sẽ ngày càng phát triển.

- Vậy các cơ quan chức năng đã có những hoạt động cụ thể nào thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán FTA để đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường này?

- Về kế hoạch cụ thể, chúng tôi chưa nói được vì nội dung còn phải xin ý kiến Chính phủ và sau đó giữa Việt Nam và EU phải có sự nhất trí chung. Tuy nhiên, EU đã dự kiến cử đoàn đàm phán vào Việt Nam trong tháng 6 tới để tiếp tục thảo luận, tìm hiểu thêm về quy mô của FTA tương lai và nếu hai bên - đặc biệt là EU - có những giải pháp linh hoạt, những khó khăn hiện nay có thể được gỡ bỏ.

- Ông nhận định thế nào về vai trò của DN trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán này?

- Hiện nay, tư duy về chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất dài. Trước đây, chính sách cam kết thương mại quốc tế chỉ do Nhà nước và các bộ, ngành liên quan xây dựng; nay có sự tham gia rất rõ ràng của cộng đồng DN mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với tư cách là đại diện đã có những đóng góp thiết thực, cụ thể trong việc hình thành chính sách thương mại quốc tế ở Việt Nam, nhiều kiến nghị của DN được đem ra đàm phán với các chuyên gia quốc tế.

Tôi cũng khuyến cáo các DN nếu muốn phát triển và thâm nhập EU, cần phải có đối tác chiến lược tại EU, bởi nếu DN tự tìm cách thâm nhập thị trường EU sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và chưa chắc đã thành công. Có một điều kiện thuận lợi nên tận dụng là trong các cộng đồng DN Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều người định cư ổn định, kinh doanh thành công, có thế mạnh về mạng lưới kinh doanh, trình độ, thậm chí là cả về tài chính, đang muốn chia sẻ với DN trong nước, có thể giúp DN Việt Nam rất hiệu quả trong việc thâm nhập thị trường EU.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác