Việt Nam nên ưu tiên phát triển công nghiệp thân thiện môi trường

(ĐTTCO) - Đây là lời khuyên được các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”.

Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, diễn ra ngày 19-4.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ, Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng và còn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương trao đổi với doanh nghiệp về điều kiện xuất khẩu hàng vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương trao đổi với doanh nghiệp về điều kiện xuất khẩu hàng vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc

Cụ thể, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ); Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào năm 2022, đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ) của Việt Nam. Cũng theo ông Hưng, tiềm năng và các cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc rất lớn đối với các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản.

Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3% mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP). Điều này cho thấy, hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng.

Ở góc độ khác, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, dự báo năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và khó lường như áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm, doanh nghiệp khó khăn về vốn, giá xăng dầu và nguyên vật liệu biến động mạnh… gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa, bao gồm đường sá, bến cảng và hàng không; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện…

Ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch KorCham tại TPHCM đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch KorCham tại TPHCM đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

“Chính phủ Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ các ngành công nghiệp, doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường”, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại TPHCM nhấn mạnh.

Các tin khác