Liên tục hút vốn khủng
MoMo hiện đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới startup Việt sau khi hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (series E), với số tiền huy động khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu được dẫn dắt bởi Mizuho Bank. Lần gọi vốn thành công này đưa định giá công ty vượt mức 2 tỷ USD.
Như vậy MoMo đã trở thành kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) thứ 3 của Việt Nam (sau VNG và VNPAY). 2021 cũng là năm ghi dấu ấn với startup này, khi họ là fintech Việt đầu tiên nhận vốn đầu tư 2 lần trong vòng 11 tháng.
Một cái tên khác trong giới khởi nghiệp Việt cũng gần đạt được cột mốc này là Tiki. Đầu tháng 11, Tiki đã thông báo hoàn tất vòng gọi vốn thứ 5 với 258 triệu USD. Trong cuộc đua với các đại gia ngoại, Tiki vẫn đang chứng minh được sức hút của mình, nhất là sau giai đoạn căng thẳng vì dịch Covid-19.
Nhìn lại cả năm 2021, đã có rất nhiều thương vụ rót vốn khủng vào các startup Việt. Như Homebase, nền tảng cung cấp giải pháp đầu tư bất động sản cho người vay dưới chuẩn ngân hàng, đã huy động thành công 30 triệu USD.
KiotViet, một startup cung cấp giải pháp phần mềm trọn bộ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đã huy động thành công 45 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B vào tháng 9.
Đáng chú ý, Telio nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam cũng nhận được khoản vốn đầu tư trị giá 22,5 triệu USD đến từ doanh nghiệp trong nước là VNG. Hay VNLife, công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay, thông báo huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B vào cuối tháng 7…
Theo thống kê từ Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), Việt Nam hiện có khoảng 3.800 startup, hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo.
Năm 2021 đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc với 1,3 tỷ USD. Hiện nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút mạnh vốn đầu tư là công nghệ tài chính, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
Tiềm năng của giới khởi nghiệp Việt Nam đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và quỹ đầu tư.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á, sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 2 khu vực vào năm 2022. Quỹ này cũng nhận định sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.
Việt Nam cũng đang tiến rất gần những nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ như Singapore hay Indonesia. Một khảo sát khác của quỹ đầu tư Do Ventures cũng cho thấy tiềm năng của giới khởi nghiệp Việt Nam.
Theo đó, Do Ventures đã khảo sát 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á, kết quả cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, với các lĩnh vực mới nổi là giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.
Con đường đến IPO vẫn còn xa
Không chỉ các quỹ đầu tư, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang tìm kiếm doanh nghiệp khởi nghiệp để rót vốn. Có lẽ chưa khi nào giới khởi nghiệp ở Việt Nam lại thỏa sức vẫy vùng và tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư phù hợp với mình đến như vậy.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là con đường đến IPO của các startup Việt ra sao, nhất là IPO ngay trên sân nhà. Bởi khi IPO các startup có cơ hội lớn mạnh hơn và không quá phụ thuộc vào số ít nhà đầu tư.
Sau khi Yeah1, startup đầu tiên của Việt Nam thực hiện IPO, cho đến nay chưa có thêm startup nào thực hiện việc này. Kỳ lân mới nhất của giới startup Việt là MoMo khi được hỏi về việc IPO, đã cho biết không vội vàng cho kế hoạch này.
Theo đại diện MoMo, hiện các nhà đầu tư vẫn đang hài lòng với kết quả kinh doanh và chưa có kế hoạch thoái vốn. Đồng thời, MoMo đã nhận được khá đủ vốn đầu tư và chưa có kế hoạch huy động thêm vốn trong ngắn hạn.
Vì vậy, kế hoạch IPO được xem xét trong khoảng vài năm tới. Gần đây VNG cho biết sẽ IPO tại Mỹ trong thời gian tới. Tương tự Tiki cũng lên kế hoạch IPO tại Mỹ trong 2-3 năm tới.
Nguyên nhân nào khiến việc IPO của startup Việt gặp nhiều trở ngại? Tại hội nghị con đường đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tháng 12-2021, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cho rằng, giai đoạn hiện nay các startup đổi mới sáng tạo tiến hành IPO không hề dễ dàng.
Để thành công, doanh nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư với mô hình mới, độc đáo, khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước biến động của thị trường, nhất là rủi ro từ đại dịch Covid-19.
Dẫn chứng về bức tranh IPO của các startup trong khu vực ASEAN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ trong năm 2021 các quốc gia ghi nhận 54 thương vụ IPO với tổng giá trị 5 tỷ USD. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận được thương vụ IPO nào.
Thực tế, những năm gần đây đã có nhiều phân tích được đưa ra để lý giải nguyên nhân các startup Việt chưa thể IPO. Một trong số đó là họ vẫn đang lỗ, thậm chí “lỗ trong kế hoạch” nhằm mở rộng thị trường.
Để hỗ trợ các startup, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN TPHCM (Sihub) đã triển khai chương trình đào tạo hướng đến con đường IPO cho các doanh nghiệp. Thông qua chương trình này sẽ hình thành cộng đồng gồm 50 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hướng đến IPO. Nói về mô hình này,
Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn thời gian tới chương trình huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo đi vào chiều sâu hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến cuối con đường khởi nghiệp là IPO.