Trong tình hình này, tuy những nền tảng chống dịch về “phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả” chưa thay đổi về bản chất, nhưng đã có điều chỉnh đáng kể ở nhiều thành tố. Đặc biệt, ở thời điểm này, song song với “phòng thủ”, Việt Nam chuyển sang “tấn công” dịch bằng mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 với chiến lược vắc xin.
Hình thành nền tảng chống dịch
Có thể nói, hầu hết các nền tảng cơ bản của chiến lược chống dịch kiểu Việt Nam hình thành trong giai đoạn từ tháng 1 - 4.2020, tức là kết thúc đợt dịch thứ nhất. Đó là “phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, điều trị”.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn Việt Nam “thử” nhiều cấp độ chống dịch khác nhau, trong đó đỉnh điểm là “cách ly toàn xã hội” trên phạm vi toàn quốc từ 1.4.2020, thực hiện trong vòng 15 ngày (tại thời điểm Việt Nam mới có tổng cộng 204 ca bệnh, chưa có ca tử vong). Hiện nay nhìn lại, biện pháp đó có vẻ hơi “cực đoan”, nhưng cũng là một phép thử để có kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo.
Ghi nhận bệnh nhân (BN) đầu tiên ngày 23.1.2020, đến 7 tháng sau, vào ngày 20.8.2020, Việt Nam mới ghi nhận ca bệnh thứ 1.000 là chuyên gia người Philippines nhập cảnh và được ghi nhận tại Khánh Hòa. Tại thời điểm này, Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 2 với tâm dịch tại Đà Nẵng và ca bệnh chỉ điểm không xác định được nguồn lây. Khi đó, Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn thành phố (áp dụng từ 28.7 - 5.9.2020 mới nới lỏng giãn cách).
Việc giãn cách trong bối cảnh Đà Nẵng mất dấu F0 được xác định là đúng đắn, minh chứng ở việc thông qua xét nghiệm sàng lọc 15.000 mẫu tại Đà Nẵng ở thời điểm dịch đã được kiểm soát, lực lượng y tế phát hiện 57 trường hợp mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, tức là nguồn lây từ 57 trường hợp này đã bị cắt đứt khi thực hiện giãn cách. Cũng tại thời điểm 1.000 ca bệnh, có 83.644 người đang được cách ly, trong đó cách ly tập trung là 22.181 người; có 25 ca tử vong và 542 ca đã khỏi bệnh.
BN thứ 2.000 của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 7.2.2021, tức là sau 5 tháng 18 ngày, mới ghi nhận thêm 1.000 BN. Thời điểm này Việt Nam đang vào đợt dịch thứ 3 với tâm dịch ở Hải Dương, dịch đã tấn công vào các KCN. Thời điểm đó, có 83.104 trường hợp đang được cách ly, với 24.875 người được cách ly tập trung; số ca tử vong: 35 ca; số ca điều trị khỏi: 1.472 ca.
BN thứ 3.000 của Việt Nam được ghi nhận vào ngày 5.5 vừa qua, tức là sau chưa tròn 3 tháng đã ghi nhận thêm 1.000 BN mới. Tại thời điểm này, Việt Nam đang ở đợt dịch thứ 4 với tâm dịch là Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội; đã điều trị khỏi 2.560 BN và có 35 BN tử vong.
Tiếp đó, chỉ trong 1 tháng 3 ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm hơn 6.000 BN khác, để chính thức vượt con số 9.000 BN vào ngày 8.6, chuẩn bị chạm mốc kịch bản 10.000 BN được Bộ Y tế xây dựng.
Thời gian để có thêm 1.000 BN đã rút ngắn xuống còn 11 ngày (lên 4.000 ca bệnh vào ngày 16.5), 6 ngày (6.000 ca bệnh vào ngày 22.5), thậm chí 4 ngày (7.000 ca bệnh vào ngày 26.5, 8.000 ca bệnh vào 30.5). Quy mô dịch cũng mở rộng ra nhiều tỉnh hơn, nhiều ca bệnh trong cộng đồng không xác định được nguồn lây. Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kịch bản cho 30.000 ca bệnh, thay cho kịch bản 10.000.
Đợt dịch thứ 4 này đánh dấu nhiều thay đổi đáng kể nhất trong biện pháp chống dịch ở Việt Nam, thiên về “tấn công” với việc dồn sức cho mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 bằng mua vắc xin; song song với phòng ngự, dập dịch.
Tại đợt dịch này, Việt Nam khoanh vùng nhỏ hơn (ở quy mô 1 ngõ phố, 1 tầng chung cư, thay vì cả tòa nhà), linh hoạt hơn (không ra quyết định cách ly 14 hay 21 ngày, mà ra quyết định cách ly, phong tỏa “cho đến khi có yêu cầu mới” - tức là bất cứ khi nào các nhà chuyên môn cảm thấy đủ an toàn); giãn cách xã hội cũng ở quy mô nhỏ hơn (cấp độ từng thôn, từng xã, rồi mới đến huyện..., thậm chí Hà Nội còn có sáng kiến cách ly 3 vòng - lõi trong cùng là cách ly theo Chỉ thị 16, lớp giữa là Chỉ thị 15 và lớp ngoài là Chỉ thị 19).
Bản thân các địa phương cũng cho các quy định riêng về giãn cách, đóng cửa một số hàng hóa dịch vụ không thiết yếu (như Hà Nội đang áp dụng các biện pháp không tương đồng với chỉ thị nào của Thủ tướng, có phần ở giữa Chỉ thị 19 và Chỉ thị 15), tức là biện pháp bớt “đồng phục” hơn.
Ở giai đoạn này, chiến lược cách ly của Việt Nam có thay đổi đáng kể nhất, sau khi phát hiện ra các lỗ hổng trong cách ly. Do đó, thời gian cách ly tập trung đã được tăng lên 21 ngày thay vì 14 ngày, sau đó phải giám sát tại nhà thêm 7 ngày. Số lần lấy mẫu khi cách ly tập trung cũng đã tăng lên: 3, thậm chí 6 lần (như Hà Nội).
Việt Nam cũng đang tính tới cách ly F1 tại nhà, trên cơ sở phân loại nguy cơ, bởi sự quá tải của các khu cách ly tập trung đang khiến ý nghĩa của việc cách ly bị đảo lộn (nguy cơ F1 thành F0 tại khu cách ly tăng lên quá cao).
Ngay từ đầu dịch, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc có vắc xin sớm (bằng cả tìm mua, nghiên cứu sản xuất trong nước) cùng với chống dịch, chỉ có mỗi thời điểm có các ưu tiên khác nhau, và với việc xác lập ưu tiên vắc xin, hy vọng giai đoạn cầm cự sẽ không kéo quá dài, làm kiệt sức các lực lượng y tế.