Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

(ĐTTCO) - Trong mắt các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam là điểm sáng trong 2025 với nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Điểm sáng đầu tư của châu Á

Cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á trong năm 2025. Cụ thể, trong báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” xuất bản hồi tháng 8, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026.

Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật “Triển vọng kinh tế thế giới 2025” của IMF, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2025.

Đáng chú ý, cả 2 dự báo mới này đều đánh giá cao Việt Nam so với các nước trong khu vực. WB tin rằng Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng lớn hơn vào năm 2025 so với các nền kinh tế mới nổi khác như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines.

IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng cao hơn các quốc gia khác trong khu vực như: Trung Quốc (4,5%), Indonesia (5,1%), Thái Lan (3%) và Malaysia (4,4%). Đặc biệt, dự báo của IMF cho thấy tăng trưởng của Việt Nam cao gần gấp đôi mức tăng trưởng toàn cầu 3,2%.

Điểm sáng thu hút FDI

Theo báo cáo Đầu tư ASEAN 2024, giai đoạn 2021-2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đạt trung bình khoảng 236 tỷ USD mỗi năm. Nguyên nhân là do các nhà đầu rút khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh, giúp các nước Đông Nam Á đang trở thành lựa chọn của các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và EU.

Và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khơi mào từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của ông Donald Trump, cũng thúc đẩy làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, còn được gọi là "Trung Quốc+1". Đây là chiến lược giúp các nhà đầu tư giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, hướng tới mục tiêu mở rộng sang các quốc gia khác, trong khi vẫn duy trì sự hiện diện tại quốc gia khổng lồ này.

Lý do để Việt Nam là một trong những lựa chọn của chiến lược “Trung Quốc+1” là vị trí địa lý và nền văn hóa tương đồng. Đối với những nhà đầu tư, việc chuyển đến Việt Nam dễ dàng hơn do sự tương đồng so với giao dịch với Indonesia hoặc Malaysia.

Ngoài ra, Việt Nam có chi phí lao động thấp và lực lượng lao động trẻ với 58% dân số trong tổng số gần 100 triệu người dưới 35 tuổi. Phía ngược lại, Trung Quốc cũng đã đầu tư nhiều vào Việt Nam kể từ khi Bắc Kinh và Hà Nội thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2008.

Hấp dẫn “đại bàng” công nghệ

Vào tháng 9-2023, Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ ngoại giao bằng cách ký kết quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Các nhà phân tích tin rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế của cả 2 bên. Mỹ là một trong những đối tác chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam, cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần đây là Pháp.

Nhưng các khoản đầu tư lớn từ Washington chính là chìa khóa mang lại cơ hội kinh tế cho Việt Nam. Đơn cử là Apple, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất quan trọng với việc đầu tư hơn 15 tỷ USD vào đây trong 5 năm qua.

Cuối năm 2024, gã khổng lồ công nghệ chip và trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ là Nvidia, đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong 4 năm, dự kiến giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, Nvidia đã triển khai ngay các công việc liên quan như kiện toàn bộ máy lãnh đạo và củng cố, thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Việt Nam không ngừng cải cách

Theo các tổ chức quốc tế, tăng trưởng của Việt Nam đang gặp phải những rào cản trong nước. Báo cáo của WB lưu ý chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn là mối quan ngại do nợ xấu (NPL) gia tăng và cần được theo dõi chặt chẽ. Sebastian Eckardt, Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của WB tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng: “Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, chính quyền nên tăng cường cải cách cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư công trong khi quản lý thận trọng các rủi ro tài chính mới nổi”.

Tuy nhiên, Việt Nam có những điểm tích cực mà cả thế giới đều thừa nhận. Theo tờ Nhà Ngoại Giao của Mỹ (The Diplomat), sau gần 40 năm Đổi Mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và hiện được các nơi khác trên thế giới coi là mô hình phát triển.

Tờ Fulcrum của Singapore có bài viết kỳ vọng vào quyết tâm cải cách chính trị và kinh tế của Tổng Bí thư Tô Lâm. Về mặt kinh tế, Fulcrum nhận định Tổng Bí thư Tô Lâm đang định vị mình là người ủng hộ tăng trưởng "chất lượng cao" do công nghệ dẫn đầu, và là người ủng hộ nhiệt thành các doanh nghiệp tư nhân.

Sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản Việt Nam, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp nhẹ nhõm với những tín hiệu tích cực được đưa ra. Fulcrum viết: “Dựa trên các tuyên bố công khai, ông Lâm dường như có tham vọng thực sự nhằm thúc đẩy vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam, với quyết tâm mạnh mẽ để hiện thực hóa chúng.

Điều này có thể báo hiệu tốt cho triển vọng kinh tế của Việt Nam, có khả năng phục hồi năng lượng kinh doanh và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn”.

WB và IMF đều dự báo Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á trong năm 2025. WB dự báo tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026. Còn IMF nhận định tăng trưởng 6,1% trong năm 2025.

Các tin khác