Việt Nam - thành tựu và kỳ vọng

(ĐTTCO) - Những ngày đầu năm Tân Sửu, rất nhiều báo, tạp chí nước ngoài đã dành lời khen tặng Việt Nam về những thành tựu đạt được trong thời gian qua, nhất là năm 2020 đầy khó khăn, cũng như phân tích, nhận định về sự phát triển của đất nước hình chữ S trong thời gian tới.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Origin Manufactures Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) ở KCN Đồng Văn II tỉnh Hà Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Origin Manufactures Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) ở KCN Đồng Văn II tỉnh Hà Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng nể

Tạp chí The Australian Financial Review tin tưởng Việt Nam là một trong ba nước “trở thành anh hùng” trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, bắt đầu từ năm nay. Theo tạp chí trên, Việt Nam đã cho thấy những kết quả tốt đẹp nhất trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Thành tựu quản lý ấn tượng của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 đã tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Mức tăng trưởng kinh tế 2,91% vào năm 2020 khi phần lớn các quốc gia đều lâm vào cảnh suy thoái thực sự là thành tựu đáng nể của Việt Nam. Tờ New Straits Times cho biết, trong các quốc gia gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia, chỉ Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu trong năm qua với mức tăng 7%, đạt 286,66 tỷ USD.

Báo Straits Times phân tích khả năng Việt Nam đạt mục tiêu kỳ vọng vào năm 2025: Tăng gấp đôi GDP so với năm 2019 đồng thời cũng chỉ ra những yếu tố có thể giúp hoặc ngăn cản Việt Nam đạt được chỉ số hấp dẫn này. Theo Straits Times, nhịp độ phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có thể bị cản trở bởi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế gia tăng từ phía Mỹ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc - Mỹ trong khu vực có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của giới đầu tư.

Tạp chí The Diplomat lưu ý, trong những thập niên gần đây, đầu tư và thương mại tư nhân đã thành một động lực thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài dài hạn và xuất khẩu ổn định dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể và tạo nhiều việc làm là một phần quan trọng trong thành công của Việt Nam…

Vai trò của công nghệ số

Khóa họp lần thứ 59 của Ủy ban Phát triển xã hội của Liên hiệp quốc diễn ra trực tuyến từ ngày 8 đến 17-2 với chủ đề “Chuyển đổi công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững: Vai trò của công nghệ số đối với phát triển xã hội và phúc lợi cho tất cả mọi người”. Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cho biết, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với phát triển xã hội và phúc lợi của mọi người trên toàn thế giới. 

Phát biểu tại khóa họp, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh, việc tranh thủ các thành tựu của công nghệ số và giảm thiểu các tác động tiêu cực của nó sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đại sứ cho rằng, để làm được điều này, cần chú trọng vào vấn đề giáo dục và đào tạo kỹ năng khoa học - công nghệ. Các chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ số, cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Chính sách phát triển cần tính tới các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo cân bằng phục hồi kinh tế với phát triển bền vững. Đại sứ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết hỗ trợ phát triển chính thức, dành 0,7% GDP hỗ trợ chính thức cho các nước đang phát triển.

Đại sứ cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi con người là động lực phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách toàn diện, bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân, được cộng đồng quốc tế công nhận là nước thành công trong xóa đói giảm nghèo. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng chú trọng ứng dụng công nghệ số để phục vụ phát triển và thực hiện các chính sách xã hội, cam kết thực hiện tích cực và đầy đủ các trách nhiệm của mình, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy phát triển xã hội toàn cầu.

Các tin khác