Việt Nam trước cơ hội tham gia liên minh bán dẫn của Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Trong 3 thập niên gần đây, Mỹ có xu hướng xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước châu Á, còn các công ty bán dẫn ở Mỹ chuyển sang thiết kế chip và thuê ngoài.

Mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Song những thay đổi về thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đã buộc Mỹ phải tìm kiếm “đồng minh” mới về lĩnh vực công nghiệp trọng yếu này. Và Việt Nam có tên trong số đó.

Mỹ phải liên minh

Mỹ là quốc gia đã phát minh ra mạch tích hợp và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong nhiều năm, các công ty của Mỹ luôn chiếm 45-50% tổng doanh số bán hàng toàn cầu. Các công ty của Mỹ sở hữu trên 50% công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), lõi IP, thiết kế mạch tích hợp và thiết bị sản xuất. Mỹ cũng dẫn đầu thế giới trong sản xuất chất bán dẫn phức hợp, tần số vô tuyến và bộ lọc sóng âm…

Mặc dù các công ty bán dẫn Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán dẫn toàn cầu, song 80% doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ là từ bên ngoài thị trường Mỹ.

Hiện Chính phủ Mỹ đã có kế hoạch cụ thể đào tạo các kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn ở Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì lập đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030.

Cụ thể, trong thời gian này năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ tăng với tốc độ 7% hàng năm, trong khi năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu tăng 11%/năm, chủ yếu được thúc đẩy bởi các công ty ở châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay Mỹ khó có thể sản xuất chip thế hệ mới.

Đơn cử, năm 2021 Tập đoàn Intel của Mỹ đã phải thuê Tập đoàn TSMC của Đài Loan sản xuất chip 7nm thế hệ mới nhất, vì Intel vẫn đang ở quy trình 10nm.

Bên cạnh đó, dù Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao, song quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa, đã phần nào khiến hệ thống cung ứng của các quốc gia phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Bởi lẽ, một con chip bán dẫn không chỉ Mỹ có thể sản xuất, mà còn cần chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các công ty bán dẫn của Mỹ cung cấp phần mềm thiết kế chip, phát triển thiết bị sản xuất chip, khai thác và tinh chế silicon. Trong khi đó, các công ty của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt các sản phẩm cuối cùng thường được lắp ráp tại Trung Quốc.

Điều này cho thấy các công ty bán dẫn của Mỹ phải đối mặt với sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung của nước ngoài, đặc biệt là nguồn cung từ Trung Quốc và các nước châu Á.

Vì thế, sự cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và các nước trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn, đã dẫn đến tình trạng khan hiếm chất bán dẫn. Do đó, Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, thông qua các khoản đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời kiềm chế việc tiếp cận công nghệ của nước khác với lý do “an ninh quốc gia”.

Đây cũng là lý do trong hơn 2 năm qua, Mỹ đã tìm cách xây dựng liên minh sản xuất chip với một số quốc gia ở châu Á, đặc biệt là liên minh “Chip 4” với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Cơ hội cho Việt Nam, nếu…

Trong các nước ASEAN, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines được đánh giá đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và thiết kế vi mạch điện tử. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh về lĩnh vực này hơn cả. Đó là việc sở hữu các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn (theo số liệu công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ) khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Bên cạnh lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng có xu hướng tự do, môi trường chính trị, kinh tế và xã hội ổn định và là điểm đến hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực này…

Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, như rào cản về công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực vốn đầu tư...

Hiện tại, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cả nước mới có 2 doanh nghiệp tham gia (Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel - VHT và Tập đoàn FPT) với số lượng nhân viên khoảng 200 người, còn lại do 30 công ty nước ngoài với đội ngũ nhân viên đông đảo (ước tính khoảng 5.000 kỹ sư tay nghề cao) đảm nhận thực hiện nhiều công việc liên quan đến thiết kế.

Cũng chính vì vậy hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung chip bán dẫn nhập khẩu.

Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (thuộc Bộ KH-ĐT), để nắm bắt được cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng chip, đặc biệt là thị trường sản xuất chip, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Trước hết, cần tăng cường thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn để tham gia các công đoạn như R&D, và thiết kế chip bán dẫn đòi hỏi yếu tố con người.

Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ đối với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu là môi trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường sản xuất chip; đồng thời có các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp về tài chính, luật pháp và các thủ tục hành chính trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip.

Trong cuộc đua sản xuất chip, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán với Mỹ và các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhằm đạt được thỏa thuận về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, từ đó nhanh chóng nắm bắt được công nghệ hiện đại và tiến tới tự chủ ở một số công đoạn trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Và để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải nỗ lực tự nâng cao khả năng năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn quốc tế, từ đó mới có thể nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Các tin khác