Trong đó riêng tháng 9, Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt khách, xếp ở vị trí thứ 2. Đài Loan vượt qua Mỹ để chiếm vị trí thứ 3 với 575.000 lượt. Mỹ xếp thứ 4 với 548.000 lượt. Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với 414.000 lượt.
Trong Top 10 thị trường hàng đầu còn có 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (351.000 lượt), Malaysia (333.000 lượt), Campuchia (289.000 lượt). Úc xếp ở vị trí thứ 9 (283.000 lượt), Ấn Độ xếp thứ 10 (278.000 lượt).
Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (187.000 lượt), Pháp (155.000 lượt) và Đức (142.000 lượt). Xếp sau là thị trường Nga với 88.000 lượt.
Về mức độ phục hồi so với cùng thời điểm trước dịch, một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%).
Các thị trường Đông Nam Á phục hồi khả quan: Malaysia (tăng 76,9%), Philippines (84%). Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch: Thái Lan (101,7%), Singapore (106,5%), Campuchia (267,1%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).
Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 28,2%. Thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.
Với việc ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm và tận dụng cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15-8, kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.