Vietmac thách thức McDonald’s

Gần đây, với việc McDonald’s “nhăm nhe” thị trường Việt Nam, liệu các thương hiệu thức ăn nhanh của người Việt sẽ vươn lên hay nhanh chóng bị “dìm hàng” trước hàng loạt thương hiệu ngoại.

Gần đây, với việc McDonald’s “nhăm nhe” thị trường Việt Nam, liệu các thương hiệu thức ăn nhanh của người Việt sẽ vươn lên hay nhanh chóng bị “dìm hàng” trước hàng loạt thương hiệu ngoại.

Quá nhiều thương hiệu ngoại

Có mặt tại Việt Nam từ cuối những năm 1990, 3 thương hiệu KFC, Lotteria và Jollibee đã hình thành nên thói quen dùng thức ăn nhanh của người Việt Nam. Và cho đến thời điểm này, dù thị trường có thêm những cái tên mới như BBQ Chicken hay Burger King, 3 thương hiệu nói trên vẫn dẫn đầu về số lượng cửa hàng lẫn doanh thu.

Tính đến nay, KFC có khoảng 134 cửa hàng, Lotteria 146 cửa hàng và ít hơn cả là Jollibee với 30 cửa hàng. Điều này cho thấy, ngay cả khi McDonald’s chưa đánh tiếng là sẽ vào Việt Nam, cuộc chiến chiếm thị phần thông qua việc mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu đã hết sức khốc liệt.

Ai cũng muốn dành phần nhiều trong miếng bánh hấp dẫn này. Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng chuỗi cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM, một số thương hiệu đang có kế hoạch mở cửa hàng ở các tỉnh, thành phố khác để giảm áp lực cạnh tranh về vị trí cũng như tìm kiếm những lượng khách hàng tiềm năng mới.

Song theo nhiều chuyên gia, khi “gã khổng lồ” McDonald’s có mặt tại Việt Nam, cuộc chiến giữa các thương hiệu sẽ còn khốc liệt hơn bây giờ. Và không ít người cho rằng thị phần sẽ được phân chia lại.

Với vị thế là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực thức ăn nhanh, McDonald’s hiện có mặt tại 119 quốc gia và đi đến đâu, thương hiệu này cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu văn hóa nhằm đưa ra những thực đơn phù hợp cho người tiêu dùng địa phương.

Song với mức phí nhượng quyền thuộc hàng “khủng” lên tới cả triệu USD cùng những yêu cầu khắt khe dành cho đối tác nhượng quyền của thương hiệu này, liệu họ có sớm tìm được một đối tác thích hợp tại Việt Nam và liệu McDonald’s có thể đi sau về trước hay không?

Bởi McDonald’s nhập cuộc sau những đối thủ khác tới 15 năm. Nhiều vị trí đắc địa đã nằm trong tay các đối thủ. Nhưng với trường hợp của Burger King, dù hãng này mới vào Việt Nam được khoảng 1 năm nhưng cũng sở hữu được không ít vị trí đẹp.

Và khi McDonald’s có mặt, cuộc đua mặt bằng sẽ thêm nóng. Nhìn lại các thương hiệu khác dù đã có mặt từ rất lâu tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ mới phát triển nhanh chừng vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định phần thắng thuộc về McDonald’s vì trên thực tế họ đang xếp thứ 2 tại Trung Quốc sau KFC, còn tại thị trường Philippines họ cũng bị Jollibee qua mặt.

Với thị trường hơn 90 triệu dân, mức sống đang ngày được nâng cao và một yếu tố quan trọng là thị trường thức ăn nhanh mới có mặt được 15 năm trong khi một số quốc gia khác là 30-40 năm sẽ không có gì là quá trễ. Chỉ đáng tiếc rằng cuộc chiến ấy hoàn toàn nằm trong tay các thương hiệu ngoại, còn thương hiệu nội dường như vắng bóng trong cuộc chơi này.

Ít ỏi thương hiệu nội

Nói về thức ăn nhanh thương hiệu Việt, nhiều người có lẽ sẽ nhắc ngay đến thương hiệu cơm kẹp Vietmac hay gần đây là AppRice (cũng là “con” của Vietmac). Theo chia sẻ từ các thành viên của thương hiệu này, đến nay Vietmac được định giá khoảng 2,5 triệu USD và đã bán cổ phần cho một đối tác Đức.

Hiện nay ngoài việc phát triển ở thị trường Việt Nam, cơm kẹp Vietmac sẽ sang thị trường nước ngoài. Đây có thể xem là tín hiệu vui và là niềm tự hào của người Việt Nam khi có một thương hiệu thức ăn nhanh độc đáo, khác biệt nhờ 2 bánh cơm kẹp.

Nhiều người kỳ vọng Vietmac sẽ đưa thức ăn nhanh Việt Nam ra toàn cầu.

Nhiều người kỳ vọng Vietmac sẽ đưa thức ăn nhanh Việt Nam ra toàn cầu. 

Thế nhưng, nếu đem so sánh với thương hiệu ngoại ngay tại thị trường Việt Nam thì thấy Vietmac vẫn còn quá nhỏ bé. Còn nhớ khi thương hiệu này Nam tiến, mở một cửa hàng tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Trương Quốc Dung, nhiều người kỳ vọng vào một thành công.

Nhưng chỉ một thời gian sau cửa hàng này phải đóng cửa do không chịu được chi phí thuê mặt bằng và phải tìm đường thoát bằng các kiot nhỏ với mức đầu tư 50-100 triệu đồng/kiot cùng với một cái tên mới AppRice. Có thể nói, vốn đầu tư chính là điểm yếu trong chiến lược mở rộng của Vietmac. Và đương nhiên, khi không có vốn sẽ bị loại ngay khỏi cuộc chiến mặt bằng đang khốc liệt giữa các thương hiệu thức ăn nhanh.

Có thể thấy, cái được của Vietmac chính là tìm ra một nét khác biệt trong một rừng thức ăn nhanh. Thế nhưng, một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, có lẽ sau Vietmac sẽ khó có thương hiệu thức ăn nhanh nào của người Việt được ra đời vì những thách thức là không nhỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, người Việt nên ủng hộ Vietmac để thương hiệu này có thể lớn nhanh. Nhưng trong một thế giới hội nhập như hiện nay, người tiêu dùng có quyền lựa chọn cái mình thích. Còn sự ủng hộ chỉ trong một giai đoạn nhất định. Nếu muốn thành công, các thương hiệu Việt buộc phải đánh trúng sở thích của người tiêu dùng.

Thật thú vị trước những thông tin cơm kẹp Vietmac thách thức đồ ăn nhanh McDonald’s. Biết đâu đó một ngày không xa Vietmac sẽ nổi tiếng toàn thế giới như tham vọng của người làm ra nó. Song để có thể đánh bại “đế chế” McDonald’s chắc là còn quá xa vời. 

Các tin khác