Vingroup, Saigon coop chống chọi nhiều đại gia ngoại

(ĐTTCO) - Sự đổ bộ liên tiếp của các nhà bán lẻ nước ngoài thông qua việc đầu tư trực tiếp, chuyển nhượng hay các thương vụ mua bán sáp nhập với các thương hiệu nội đang khiến cuộc chơi bán lẻ ở Việt Nam nghiêng hẳn về khối ngoại.

(ĐTTCO) - Sự đổ bộ liên tiếp của các nhà bán lẻ nước ngoài thông qua việc đầu tư trực tiếp, chuyển nhượng hay các thương vụ mua bán sáp nhập với các thương hiệu nội đang khiến cuộc chơi bán lẻ ở Việt Nam nghiêng hẳn về khối ngoại.

Ngoại phình to

Những ngày đầu năm mới 2016, thông tin thu hút được nhiều sự quan tâm nhất trong mảng bán lẻ chính là việc Tập đoàn bán lẻ Metro đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng cho nhà đầu tư Thái Lan. Tuy nhiên, đối tác cuối cùng của Metro là TCC chứ không phải là BJC như công bố hồi tháng 8-2014. Nguyên nhân là các cổ đông của BJC đã không đồng ý thực hiện thương vụ này. Cuối cùng, TCC (cổ đông lớn nhất của BJC) đã tự tìm nguồn tài chính để hoàn tất thương vụ sau hơn 1 năm gián đoạn.

Vingroup đang là một điểm sáng trong khối nội. Nhưng trong bối cảnh những nhà đầu tư nội đang rơi rụng dần, những điểm sáng ít ỏi như vậy cũng không làm nên bức tranh tươi mới cho bán lẻ nội.

Trước đó, hồi cuối tháng 12-2015, thông tin về việc Tập đoàn Casino Group - công ty mẹ của chuỗi Big C Việt Nam - công bố sẽ chuyển nhượng lại hoạt động kinh doanh chuỗi Big C ở một số thị trường không trọng điểm, trong đó có Việt Nam, cũng là thông tin thu hút nhiều sự quan tâm. Với mức giá chuyển nhượng được dự báo khoảng hơn 800 triệu USD, DN nội chắc khó “có cửa” trong cuộc chiến này. Nhiều ý kiến nghiêng về một cuộc thâu tóm nữa của người Thái. Cũng trong những ngày cuối cùng của năm 2015, việc Emart (Hàn Quốc) chính thức khai trương đại siêu thị đầu tiên tại TPHCM góp thêm phần rộn ràng cho khối ngoại trong sân chơi bán lẻ nội. Theo kế hoạch, Emart sẽ xây dựng đại siêu thị thứ 2 tại TPHCM trong thời gian ngắn sắp tới.

Tập đoàn Auchan (Pháp) có kế hoạch mở 15 siêu thị trong năm 2015 tại TPHCM với số vốn đầu tư khoảng 35-40 triệu EUR. Auchan đã triển khai chuỗi siêu thị Simply Mart từ năm 2014 với 3 cửa hàng tại TPHCM. Tháng 11-2015, Auchan đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với CTCP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) và thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên do MIPEC đầu tư để mở siêu thị Simply Mart đầu tiên ở miền Bắc. Trong năm 2016 và 2017 nhiều khả năng thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đón thêm 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Theo đó, Tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ mở cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 tại TPHCM. Mục tiêu của Seven & I Holdings là phát triển được 100 siêu thị sau 3 năm và nhân lên thành 1.000 siêu thị sau 10 năm bước vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn bán lẻ Takashimaya của Nhật có thâm niên hơn 180 năm hoạt động đang chọn Trung Quốc và ASEAN là 2 trục thị trường trọng điểm để phát triển trong tương lai, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Dự kiến giữa năm 2016, Takashimaya sẽ có trung tâm mua sắm đầu tiên đặt tại tòa nhà Saigon Centre ở khu vực trung tâm quận 1 (TPHCM), với khoảng 15.000m² sàn bán lẻ.

Nhắc đến những cái tên mới không thể không kể đến những “cá mập ngoại” đang hiện diện như Lotte với 10 trung tâm thương mại lớn ở nhiều tỉnh, thành. Hay AEON trong thời gian qua liên tiếp đưa vào hoạt động 3 trung tâm thương mại lớn tại TPHCM, Bình Dương và Hà Nội, đồng thời mua cổ phần 2 hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30%... Ngay như trong mảng cửa hàng tiện lợi, khối ngoại cũng phủ rất mạnh với những chuỗi như Shop & Go (Malaysia) với gần 130 cửa hàng; Circle K (Hoa Kỳ) với 110 cửa hàng và đang có kế hoạch đạt đến 500 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2017…

Vingroup là một trong rất ít cái tên nội tỏa sáng trên thị trường bán lẻ trong nước.

Vingroup là một trong rất ít cái tên nội tỏa sáng trên thị trường bán lẻ trong nước.

Nội vào thế khó

Còn nhớ thời điểm tập đoàn Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Maximark, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã chia sẻ: “Thương vụ Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí hàng đầu thị trường bán lẻ. Bên cạnh việc mang đến phong cách mua sắm, tiêu dùng hiện đại, theo xu hướng thế giới cho người Việt - thương hiệu Việt 100%, chúng tôi sẽ hợp lực cùng các DN trong nước giữ vững thị phần hàng Việt và tăng khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài”. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng những bước đi thần tốc của Vingroup thời gian qua không chỉ cho thấy tham vọng trở thành người dẫn đầu, mà còn chứng minh sức mạnh tài chính của tập đoàn này.

Một số cái tên đáng chú ý khác như Saigon Coop, đến thời điểm này đã góp mặt trong hầu hết mô hình bán lẻ. Hiện Saigon Coop đang vận hành 78 siêu thị Co.opmart, 94 Co.op Food, 2 Co.opXtra, Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ, kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op và Liên doanh SC VivoCity tại quận 7. Nhưng nếu xét kỹ, với 2 mô hình mới là đại siêu thị và trung tâm thương mại, Saigon Coop đều có liên doanh với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, còn có Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Dù cả 2 đều đang có những bước chuyển mình nhưng dường như vẫn còn rất chậm trong cuộc đua đầy khốc liệt. Nói về thị trường bán lẻ nói chung, còn một mảng nữa chính là bán lẻ điện máy. Trước đây mảng này vốn được xem là lãnh địa riêng của các DN trong nước. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây mọi thứ đang dần thay đổi. Minh chứng là việc Power Buy mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim ngay những ngày đầu năm 2015. Hay nhà bán lẻ điện máy Nhật Bản Nojima cũng mới nâng tỷ lệ sở hữu của mình ở điện máy Trần Anh lên 31% vào giữa năm ngoái. Và cũng thật khó đoán trong thời gian tới, đối tác Nhật Bản này có tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu của mình hay không.

Dù sự tham gia của các DN bán lẻ nước ngoài sẽ tạo động lực giúp DN Việt Nam mạnh mẽ hơn, năng động hơn… nhưng những vấn đề về vốn, kinh nghiệm, nhân lực đang tạo ra những lực cản lớn với DN nội trong cuộc đua này.

Các tin khác