Bên bờ phá sản
Theo hãng tin AP, tại các thành phố lớn ở Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ gốc Á đang phải hứng chịu sự sụt giảm khách hàng đáng kể vì lo ngại virus Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan. Các quan chức của các thành phố và của Bộ Y tế đang cố gắng ngăn chặn hiện tượng “chảy máu tài chính” này thông qua các chiến dịch truyền thông và các chuyến thăm những nhà hàng và cửa hàng, nhấn mạnh không có lý do gì để phải tránh các công ty châu Á.
Có những chuỗi nhà hàng phải xem xét đóng cửa một số chi nhánh ở khu phố Hoa. Thậm chí, một số bạn bè và khách quen của các nhà hàng này đã nghe những tin đồn sai sự thật về việc có người trong nhà hàng nhiễm Covid-19. Chủ tịch Phòng Thương mại Khu phố người Hoa, Carl Chan cho biết, các chủ doanh nghiệp chủ là người Trung Quốc đã báo cáo doanh thu giảm khoảng 50-75%.
Frankie Chu, chủ sở hữu Nhà ăn chay Dim Sum ở khu phố Hoa của New York,
ngồi trong nhà hàng trống rỗng do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: AP
ngồi trong nhà hàng trống rỗng do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: AP
Gần đây, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio đã ghé thăm Nom Wah Tea Parlor - nhà hàng lâu đời nhất ở khu phố Manhattan - do trong 3 tuần đầu tháng 2, doanh thu của nhà hàng đã sụt giảm 40%. Thông thường, nhà hàng chật kín khách trong bữa trưa, nhưng những ngày dịch này hơn một nửa số bàn trống. Mặc dù vậy, tình hình của Nom Wah Tea Parlor vẫn khả quan hơn nhiều so với các nhà hàng ít nổi tiếng hơn trong khu vực. “Chúng tôi may mắn vì có những khách hàng quen. Thông thường vào giờ này, nhà hàng chúng tôi chật cứng khách, và những người tới sau phải ngồi xếp hàng ở dãy ghế bên ngoài” - quản lý nhà hàng Vincent Tang cho biết.
Frankie Chu, chủ sở hữu Nhà hàng chay Dim Sum ở khu phố Hoa của New York, cho biết đã kinh doanh trong khu phố Manhattan 23 năm, nhưng đã phải ngừng hợp đồng thuê nhà ngay trong tháng 2. Ông Chu cho biết, doanh thu trong 2 tuần qua của nhà hàng của ông đã giảm 70%. Thông thường, nhà hàng luôn kín bàn bữa trưa và tối, nhưng từ khi có dịch Covid-19 nhà hàng chỉ có khoảng 4 khách. Do ế khách, ông Chu đã cho một số nhân viên nghỉ phép để cắt giảm chi phí. Tình hình kinh doanh hiện nay còn tệ hơn thời kỳ khủng hoảng ngày 11-9-2001 mà ông từng trải qua.
Chiến dịch xóa bỏ sợ hãi
Chiến dịch xóa bỏ sợ hãi
Theo Reuters, dịch Covid-19 bùng phát kéo theo một làn sóng bài Trung Quốc và những người gốc Á trên toàn cầu, từ các cửa hàng treo biển từ chối khách Trung Quốc lan sang cả kỳ thị những người châu Á khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Đa số các doanh nghiệp, nhà hàng, do người gốc Á làm chủ lao đao do bị nhiều người Mỹ tránh xa.
Nhằm đẩy lùi cuộc khủng hoảng do “đại dịch kỳ thị” các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp của thành phố New York đã phát động một chiến dịch nhằm thu hút khách hàng trở lại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở Manhattan, Queens và Brooklyn. “Khu phố Hoa đang chảy máu. Mọi chuyện đang vượt quá tầm kiểm soát. Các doanh nghiệp nhỏ ở khu phố Tàu tại Manhattan doanh số đã giảm từ 40-80% khi virus lây lan trên diện rộng. Hãy dừng kỳ thị vô căn cứ và hãy quay lại các khu phố người Hoa” - Wellington Chen, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phát triển Địa phương Khu phố Hoa tại thành phố New York kêu gọi.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc ở Flushing, New York, doanh thu các công ty đã giảm 40%. Derek Law, Phó Chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Khách sạn của Trung Quốc ở Mỹ, cho biết, doanh thu của một spa của ông ở Flusing đã giảm khoảng 70%. Trong khi, thành phố New York là nơi sinh sống của hơn nửa triệu người Mỹ gốc Hoa, đông hơn bất cứ thành phố nào của Mỹ.
Một số người New York gốc Trung Quốc rất thất vọng vì cảm thấy mình bị đối xử như một người ngoại quốc. Tại thành phố New York, thời điểm giữa tháng 2, khi chưa có trường hợp nào được ghi nhận nhiễm virus Covid-19 thì tình trạng phân biệt đối xử đã diễn ra. Các quan chức và chính trị gia đang cố gắng giúp người dân New York hiểu rõ rằng, không có lý do gì để tránh xa bất kỳ khu phố nào, và mọi người nên đi ăn tại các nhà hàng Trung Quốc và tweet những bức ảnh mang thông điệp hãy ủng hộ khu phố Hoa.
Tại thành phố Boston, Thị trưởng Marty Walsh đã phát động một chiến dịch truyền thông xã hội tương tự, khuyến khích mọi người chia sẻ hình ảnh nhằm ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ trong khu phố với thông điệp “yêu khu phố Hoa ở Boston”. Bà Allison Arwady, Ủy viên Y tế công cộng của Chicago, cho biết, bà và các đồng nghiệp đang tiếp tục giải quyết các tin đồn về dịch bệnh.
Bà cho biết trong thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 không phải là mối đe dọa quá lớn đối với sức khỏe người dân Mỹ, đồng thời bà cũng kêu gọi mọi người đừng e ngại việc tới các nhà hàng, cửa hàng ở khu phố Tàu ở Chicago. “Đừng để sự kỳ thị, bài ngoại hoặc nỗi sợ hãi chi phối những quyết định của bạn” - bà Arwady nói.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, ông Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề này ngay từ khi Covid-19 lan rộng đầu tháng 2 khiến sự kỳ thị ngày một tăng cao. Chính quyền các thành phố lớn ở Mỹ đã nhìn nhận đúng thực trạng phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền, kỳ thị đối với những người vô tội chỉ vì họ là người gốc Á. Hiện nhiều thành phố lớn đã triển khai các chiến dịch chống phân biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp người Trung Quốc nói riêng và gốc Á nói chung vượt qua nỗi khủng hoảng mang tên “virus kỳ thị” này.
Hiện nhiều thành phố lớn đã triển khai các chiến dịch chống phân biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp người Trung Quốc nói riêng và gốc Á nói chung vượt qua nỗi khủng hoảng mang tên “virus kỳ thị” này. |