Trong khuôn khổ Lễ công bố HVNCLC 2024, đã diễn ra hội thảo “Bán hàng với công cụ và công nghệ mới & Chinh phục các thị trường tỷ dân” với sự tham dự livestreamer ViruSs và 2 diễn giả là chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên.
Với kinh nghiệm 13 làm livestream, hiện vừa làm founder, vừa quản lý (khoảng 300 nhân viên), vừa là người trực tiếp livestream bán hàng, livestreamer ViruSs cho rằng đây là thời kỳ các chuyên gia bán hàng tốt hơn người nổi tiếng.
ViruSs cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hãy cố gắng học livestream bán hàng, vì đó là phương thức rẻ và hiệu quả nhất. Để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống.
Thương mại điện tử bắt đầu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2005, đến năm 2016 họ đã có hai nền tảng đó là Classic E-commerce và New Generation E-commerce. Thậm chí, hiện nay trên thị trường Trung Quốc họ đã xây dựng nên những trường học, dạy livestream, họ làm gấp đến mức mời cả chuyên gia nước ngoài (bản thân ViruSs cũng là người được mời). Trong khi đó khi đi nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam thì ViruSs lại nhận thấy một xu hướng ngược lại đó là cảm giác e ngại về công nghệ.
“Tôi lo lắng và quan ngại cho doanh nghiệp Việt, đối với các xu hướng bán hàng cũ mình có thể lựa chọn, nhưng từ 2024 chúng ta không có sự lựa chọn thay thế. Nếu chúng ta không đáp ứng được với công nghệ livestream bán hàng thì chúng ta sẽ bị đào thải". ViruSs bày tỏ.
Một e ngại của nhiều người là tôi già rồi, làm sao tôi có thể livestream bán hàng trên Tiktok, Facbook… nhưng đó là nhận thức sai lầm. “Tôi đã từng đào tạo cho rất nhiều người 40-50 hay thậm chí 60 tuổi nhưng vẫn có thể lập kênh livestream bán hàng rất tốt”, ViruSs nói.