Thị trường khởi đầu phiên sáng nay khá ấn tượng với hàng trăm mã CP được xanh phủ xanh khi bên nắm giữ không còn hoảng loạn "xả hàng". VN Index tăng gần 15 điểm ngay sau đợt khớp lệnh ATO. Dù đà tăng của chỉ số có phần hạ nhiệt nhưng sắc xanh vẫn là yếu tố chủ đạo trong toàn bộ thời gian phiên sáng.
Như các phiên trước, lệnh bán giá đỏ ồ ạt được đẩy ra trong phiên chiều do lượng CP được NĐT mua vào ở phiên 27-9 chính thức về tài khoản. Nguồn cung đột biến trong khi dòng tiền vào yếu kéo ngược VN Index quay lại trạng thái giảm điểm ngay từ những phút đầu của phiên chiều.
Chỉ số này có thời điểm chuyển xanh khi lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số mã CP có vốn hoá lớn. Thế nhưng, nhiều NĐT cho rằng đây là hiện tượng Bulltrap khi các "tay to" mua vào kéo giá xanh để thoát hàng.
Kết phiên hôm nay (29-9), VN Index giảm 17,55 điểm (tương đương 1,53%) xuống còn 1.126 điểm. Thời điểm chốt phiên ATC, tương quan giữa các mã tăng/giảm "lật ngược" hoàn toàn so với phiên ATO, với 297 mã giảm so với 116 mã tăng và 78 mã đứng giá.
Rổ VN30, có 20 mã giảm, trong đó các mã giảm mạnh được ghi nhận là: VIC (giảm 5%) BVH (4,5%), CTG (3%), GVR (5,9%), MSN (2,1%), POW (2,3%), SSI (2,3%), STB (3%), VPB (2,7%), VIB (2,9%).
Ở phía ngược lại, có 6 mã tăng gồm GAS, VNM, VRE, NVL, PDR và TPB. 4 mã giữ giá tham chiếu gồm ACB, BID, HDB và VJC.
Gây thất vọng nhất trong phiên hôm nay chính là nhóm CP xây dựng và đầu tư công. Trong bối cảnh nhiều nhóm ngành có sự hồi phục nhẹ thì nhóm CP này vẫn bị bán tháo và phần lớn chốt phiên ở mức giá sàn như: CTD, HHV, IJC, CTI, BCM, FCN, KSB, VCG.
Dù VN Index có chuỗi giảm điểm khá sâu nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn còn khá ngập ngừng. Do vậy, thanh khoản của phiên hôm nay vẫn đứng ở mức thấp với 491,4 triệu CP được sang tên, tương đương giá trị giao dịch đạt 11.232 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 góp 2.716 tỷ đồng.
Việc VN Index liên tục bị “đè” bởi nguồn cung đột biến phiên chiều khiến cho nhiều NĐT hết sức bức xúc. Nhiều NĐT thậm chí còn đề nghị UBCKNN cho quay lại với chu kỳ thanh toán T+3 như trước đây để tránh áp lực bán tháo mỗi khi CP về tài khoản.
“Sau khi áp dụng T+2,5, cứ đến phiên chiều là chúng tôi đóng bảng điện không theo dõi nữa. Bởi vì diễn biến thị trường chiều hôm nay thường có kịch bản giống y hệt ngày hôm qua” - một NĐT chán nản nói.