Việc Fed tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, kéo theo một loạt ngân hàng trung ương các nước có quyết định tương tự, đã tác động nhất định đối với thị trường. Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng biện pháp của Fed là phù hợp để chặn đà lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại việc Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác sẽ càng đẩy nhanh nguy cơ suy thoái.
Tâm lý lo ngại này cũng chính là nguyên nhân đẩy TTCK Mỹ vào vòng xoáy bán tháo trong 2 tuần gần đây. Trước đó, TTCK Mỹ khép lại tuần giao dịch ảm đạm trong bối cảnh làn sóng tăng lãi suất toàn cầu diễn ra ngày càng dữ dội và một loạt các đồng tiền quan trọng mất giá so với đồng USD, làm gia tăng quan ngại suy thoái toàn cầu.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 486,27 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm là 29.590,41 điểm. Tương tự, S&P 500 giảm 1,72% xuống 3.693,23 điểm, Nasdaq Composite giảm 1,8% xuống 10.867,93 điểm.
Như vậy, 2 tuần lao dốc vừa qua đã kéo giảm chỉ số S&P 500 9,2% và Dow Jones gần 8%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6. Trong cùng giai đoạn, chỉ số Nasdaq mất hơn 10%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh nhất.
Quay trở lại TTCK trong nước, bất ngờ đã xảy ra khi nhóm CP bị xả mạnh nhất trong phiên hôm nay là bất động sản. Đa phần các mã CP trong nhóm ngành này đều rơi vào tình trạng bị bán ra ồ ạt, thậm chí nhiều mã còn giảm sàn như: NLG, DXG, ITC, KDH, DLG, NTL, CII, DIG, TDC, NHA, IJC, TDH, KBC, HQC, QCG, NBB.
Làn sóng bán tháo từ nhóm CP bất động sản dần lan rộng qua các nhóm ngành còn lại, như: ngân hàng, CK, dầu khí, thép. Việc các nhóm ngành quan trọng này bị nhuộm đỏ khiến cho VN Index có thời điểm “rơi tự do” gần 44 điểm.
Tuy nhiên, ở những phút cuối của phiên VN Index hồi phục đáng kể lực cầu bắt đáy ở nhóm CP có vốn hoá lớn như GAS, VIB, NVL. Nhờ vậy, chỉ số này kết phiên giảm 28,93 điểm (tương đương 2,4%) xuống còn 1.174,35 điểm.
Bảng điện sàn HoSE gần như phủ kín trong sắc đỏ với 462 mã giảm, trong đó có 47 mã giảm sàn, so với 42 mã tăng. Nếu tính cả số mã giảm bên phía HNX và UPCoM thì toàn thị trường là 871 mã, trong đó có 77 mã giảm sàn.
Bên phía VN30, dòng tiền bắt đáy trong phiên ATC giúp cho số mã đỏ từ con số tuyệt đối 30/30 xuống chỉ còn 27 mã. Trong đó, các mã giảm mạnh nhất trong nhóm này là: BID, CTG, MWG, GVR, HDB, MBB, PLX, POW, STB, SSI, TCB, TPB, VNM, VPB, VRE, VHM, VJC.
VN Index dù giảm sâu nhưng lại gián tiếp tạo nên sự đột biến về thanh khoản trong phiên hôm nay. Thống kê có 757 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 17.552 tỷ đồng.
Nếu cộng giá trị giao dịch của 2 sàn còn lại thì tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên hôm nay đạt 19.875 tỷ đồng.
Cùng chung tình cảnh với HoSE, áp lực “bán đổ, bán tháo” khiến 2 chỉ số HNX Index và UPCoM Index giảm lần lượt là 3,31% và 2,15%.