Mốc điểm số cao nhất của chỉ số này trong khoàng 10 năm trở lại đây. Mốc 800 điểm bị phá vỡ trong phiên giao dịch ngày 15-2-2008. Sau khi phá thủng mốc này, VN Index đã lao dốc xuống đáy 235 điểm trong phiên 2-1-2009.
Chốt phiên hôm nay, VN Index tăng 4,48 điểm (tương đương 0,56%) lên 801,2 điểm. Toàn sàn HOSE có 109 mã tăng, trong khi số mã giảm và đứng giá là 149 và 62.
Dù số mã tăng ít hơn nhưng với sự trợ giúp của những mã có vốn hóa lớn như MSN (tăng 3.200 đồng), CTD (tăng 1.100 đồng), ROS (tăng 1.000 đồng), SAB (tăng 10.500 đồng).
Việc VN Index tái lập mốc 800 điểm khiến NĐT hết sức lạc quan nhưng không mấy bất ngờ bởi thị trường đang nhận được những tín hiệu tốt. Chẳng hạn, tâm lý thị trường hồi phục trở lại có sự đóng góp không nhỏ của các chỉ số vĩ mô.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, lạm phát thấp sẽ giúp NHNN chủ động trong việc kiểm soát biến động tỷ giá cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu 21-22% của Chính phủ.
Theo CTCK Rồng Việt, thị trường đón nhận dự thảo sửa đổi Thông tư 36, trong đó vẫn giữ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 45% trong năm 2018, và đến năm 2019 mới giảm về 40%. Nếu được thông qua, điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng bớt áp lực huy động trong trung và dài hạn.
Tổng hòa những điều trên có thể sẽ giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền nhiều khả năng vẫn sẽ ở lại thị trường chứng khoán. Thanh khoản thị trường sẽ vẫn có thể đạt mức 3.200-3.300 tỷ đồng/phiên trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, nhiều khả năng VN Index sẽ điều chỉnh trong các phiên tới do áp lực chốt lời vẫn ở mức cao, tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Diễn biến giằng co phân hóa của thị trường chung nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Theo dự báo, vùng kháng cự gần của VN Index nằm tại 803-806 điểm và 815-820 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 785-790 điểm và 775-780 điểm.