“Gap” là khoảng trống về giá, khi giá biến đổi có sự sụt giảm đột ngột tạo ra khoảng trống về giá chứ không hề xảy ra giao dịch. Giá cả phản ánh thông tin các thành phần tham gia thị trường đồng thuận về giá trị tại một thời điểm. Cùng 1 CK, nhưng mức giá rẻ ở thời điểm này lại là mức giá cao ở thời điểm khác. Khi có thông tin mới thí dụ như dịch nCoV, tâm lý NĐT giao động, sự hoang mang này được phản ánh lên TTCK, kéo theo ủng hộ vị thế bán, giảm thị trọng hoặc thoát khỏi thị trường của NĐT.
Hồi phục nhưng khó tăng
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra ngay thời điểm có sự bùng phát mạnh của dịch nCoV tại hơn 23 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tâm lý lo ngại từ dịch bệnh thấm vào thị trường suốt thời gian nghỉ lễ, đã phán ảnh mạnh vào những phiên giao dịch đầu tiên. Chỉ số VN Index giảm mạnh, tạo gap giá. Tuy nhiên trong suốt tuần giao dịch từ ngày 3 đến 7-2, tâm lý đã dần hồi phục. Đà tăng bắt đầu từ khối ngân hàng, sau đó lan tỏa trên thị trường, nhiều mã tăng trần, tiết cung.
Tín hiệu từ phân tích kỹ thuật cho thấy lo ngại về dịch nCoV đã được xóa tan trong tâm lý NĐT Việt Nam. Khoảng trống về giá tạo ra do lo ngại dịch trước đó cũng đã bị khép trong liên tiếp 3 ngày cuối tuần, thể hiện sự tích cực dần lên trong tâm lý NĐT. Tuy vậy, VN Index khó có khả năng tiếp tục tăng, khó bật khỏi đỉnh ở vùng 1.200 ngay trong năm 2020. Điều này phản ánh rõ ở đồ thị điểm và hình dưới đây, đường xu hướng trong trung hạn từ năm 2016 trở lại đây đã tạm thời mất hướng tăng, khi đường hỗ trợ cho hướng tăng trở thành đường kháng cự.
Bước vào năm 2020, TTCK Việt Nam có nhiều căn cứ để chờ đợi kịch bản tích cực, như hiệp định EVFTA mở hướng cho xuất khẩu tăng qua khu vực chung châu Âu, hay bộ luật CK mới tạo nhiều điểm thu hút cho dòng vốn ngoại, hoặc chờ đợi việc nâng hạng thị trường Việt lên hạng mới nổi loại 2 trong thời điểm được kỳ vọng rơi vào giai đoạn 2021-2023. Tất cả yếu tố tiềm năng đó hỗ trợ cho dài hạn, nhưng trong ngắn hạn VN Index cần phải điều chỉnh để vững chắc hơn cho triển vọng tương lai.
Đánh giá khách quan, kết thúc 3 sóng điều chỉnh từ vùng đỉnh 1.200 điểm, VN Index đi ngang quanh vùng 880-1.020 điểm. Tâm lý hưng phấn lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường, đo lường tâm lý thị trường (market sentiment) phản ánh rất rõ. Khảo sát được thực hiện và công bố trong hội thảo VIPF cuối năm 2019, cho thấy 100% người đang làm công tác môi giới, bán hàng cho rằng VN Index tăng trên 1.000 điểm trong năm 2020. Đối với nhóm chuyên hơn về phân tích và nghiên cứu, con số này là 63%. Các quỹ đầu tư cũng có 63% cho rằng VN Index sẽ dao động trên 1.000 điểm trong năm 2020, trong đó 27% cho rằng sẽ vượt đỉnh cao nhất của lịch sử trước đây ở vùng 1.211,34 điểm. Ngoài ra, 90% thành phần còn lại trong thị trường tin rằng VN Index năm 2020 sẽ duy trì vùng 1.000-1.200 điểm.
Điều luôn phải lưu ý đối với tâm lý thị trường, là khi VNIndexthể hiện sự đồng thuận hưng phấn và tích cực nghiêng hẳn về một phía, đó thường là tín hiệu kết thúc của xu hướng duy trì mạnh đang diễn ra.
3 kịch bản cho VN Index
Báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy, năm 2020 toàn thế giới sẽ có sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng đang được duy trì trên diện rộng. Biểu đồ dưới đây thống kê cho thấy kết thúc năm 2019, tỷ lệ quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng so với thắt chặt là 64/16. Và tỷ lệ giữa những quốc gia sử dụng chính sách tài khóa nới lỏng cao hơn 50% so với thắt chặt.
Việt Nam khả năng cũng nằm trong nhóm nới lỏng cả cả chính sách tiền tệ và tài khóa, khi cung tiền tăng và lãi suất đang được điều hành giảm duy trì trong những tháng gần đây. 3 kịch bản tích cực, trung lập và tiêu cực cho VN Index trong năm 2020 được phân tích như đồ thị dưới đây.
Nếu Việt Nam tránh được những rủi ro tiềm ẩn như bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ, rủi ro về dịch nCoV bùng phát…, đồng thời tận dụng được những cơ hội để duy trì dư địa tăng trưởng, kịch bản trung tính nghĩa là duy trì VN Index đi ngang như hiện nay có lẽ là vững bền nhất. Cho đến khi việc nâng hạng thị trường cận kề và việc dòng vốn vào từ quốc tế thực sự diễn ra, kịch bản tích cực dành cho trung hạn sẽ phù hợp cho bức tranh tăng trưởng bềnh vững và dài hạn của Việt Nam. Có thể nói, VN Index nếu duy trì vào khả năng đi ngang trong năm 2020 cũng là thành công và vững bền trong dài hạn so với viễn cảnh tăng nóng.
Các thị trường đồng hạng cận biên
Đồng hạng thị trường cận biên như Việt Nam, chỉ số CSE All-Share của Sri Lanka cho thấy tâm lý có phần lo ngại và do dự. Nhiều cây nến chân dài, thân rất ngắn cho thấy trong phiên giao dịch có sự hoảng loạn của bên bán xuống, có sự tự tin của phía mua lên và giá đóng cửa luôn ở phần cao của cây nến cho thấy tâm lý của nhóm NĐT chuyên nghiệp khá lạc quan. Tương tự, Pakistan cũng là thị trường cận biên như Việt Nam, nhưng tâm lý NĐT trên thị trường thể hiện qua chỉ số Karachi 100, cho thấy sự hoảng loạn nhanh chóng qua đi và phục hồi diễn ra nhanh chóng.