Thực trạng này khiến công tác triển khai các dự án ít nhiều “bị động”, khi phải xin thêm do thiếu, hoặc trả lại do thừa. Nguyên nhân được xác định do công tác khái toán ban đầu chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư với địa phương…
Chọn phương án giá cao nhất cho an toàn
Dự án Vành đai 3 TPHCM, theo quyết định ban hành cuối năm 2022, TPHCM dự tính chi 18.900 tỷ đồng để bồi thường, nhưng đến nay cần chưa tới 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng.
Theo lý giải của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), thời điểm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TPHCM, 4 địa phương (TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) nhận thức nguồn vốn cần được bố trí đầy đủ, tránh thiếu hụt kinh phí, dẫn đến phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đơn giá bồi thường cũng được khái toán theo mức cao nhất trong khung hệ số điều chỉnh giá đất.
Đơn cử, huyện Bình Chánh khung hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở từ 6-22 và đất nông nghiệp từ 15-38, UBND huyện chọn hệ số 22 đối với đất ở và hệ số 38 đối với đất nông nghiệp. Tương tự, đối với công trình, vật kiến trúc và các khoản hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đều dự kiến theo mức cao nhất.
Ngoài ra, các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý theo quy định không được bồi thường, nhưng khi khái toán cũng tính luôn diện tích này như trường hợp được bồi thường. Do vậy, khái toán kinh phí bồi thường rất cao, lên tới hơn 25.600 tỷ đồng.
Đến thời điểm phê duyệt dự án bồi thường, đơn giá bồi thường được cập nhật vào báo cáo nghiên cứu khả thi. Tháng 12-2022, UBND TPHCM phê duyệt dự án bồi thường với tổng kinh phí 18.906 tỷ đồng.
Theo Sở TN-MT, thời điểm này, người dân chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, nên việc xác định chi phí bồi thường vẫn còn cao hơn thực tế. Đến khi các địa phương rà soát pháp lý hồ sơ do người dân cung cấp và trừ đi quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, nguồn vốn giảm xuống đáng kể.
Dự án Vành đai 3 TPHCM, dự tính chi 18.900 tỷ đồng để bồi thường, nhưng đến nay cần chưa tới 11.700 tỷ đồng, giảm hơn 7.200 tỷ đồng (Trong ảnh: Thi công đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: N.Huế). |
Cụ thể, TP Thủ Đức cần 6.225 tỷ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỷ đồng, huyện Hóc Môn cần 1.614 tỷ đồng và huyện Bình Chánh cần 1.687 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng khu tái định cư và các chi phí khác 453 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nhu cầu kinh phí bồi thường của 4 địa phương chỉ cần 11.688 tỷ đồng, giảm 7.206 tỷ đồng so với quyết định cuối năm 2022.
Thiếu sự phối hợp chặt chẽ
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác đền bù giải tỏa tại các dự án hay xảy ra tình trạng nguồn vốn khái toán ban đầu dư so với thực tế sau đó, do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, ở thời điểm khái toán, địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu người dân cung cấp hồ sơ, giấy tờ cũng như đo vẽ hiện trạng, nên thường đánh giá tình trạng pháp lý được bồi thường cao nhất.
Nhưng khi bồi thường cho từng trường hợp cụ thể, nhiều hồ sơ không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần quy định. Do đó, mức chi bồi thường, hỗ trợ cũng giảm xuống theo tình trạng pháp lý của hồ sơ nhà đất.
Cụ thể, một số trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, nhưng qua rà soát pháp lý có trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận do cấp chưa đúng quy định. Những trường hợp này ban đầu dự kiến được bồi thường, nhưng sau đó chuyển sang chỉ được hỗ trợ đất ở hoặc bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp.
Hoặc các trường hợp nhà đất có nguồn gốc do quân đội cấp có một phần lấn chiếm nên không đủ điều kiện bồi thường, chỉ được hỗ trợ. Các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm đất công cũng chỉ được hỗ trợ về đất, không được bồi thường hoặc đất lấn chiếm và xây dựng sau ngày 1-7-2004 cũng không được bồi thường, không hỗ trợ về đất và cấu trúc xây dựng...
Vành đai 3 không phải dự án duy nhất thừa vốn, theo khảo sát của Sở TN-MT, danh sách dự án thừa vốn còn có đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) giảm 225 tỷ đồng, đường D8 (đoạn từ Bùi Minh Trực đến Tạ Quang Bửu, quận 8) giảm 50 tỷ đồng, đường Vành đai Đầm Sen (quận 11) giảm 40 tỷ đồng, cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) giảm 195 tỷ đồng, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) giảm 147 tỷ đồng do dự toán dư, không còn nhu cầu sử dụng.
Ngược lại, một số dự án tại TP Thủ Đức tăng vốn bồi thường, như nút giao thông Mỹ Thủy tăng 366 tỷ đồng, đường Lã Xuân Oai (đoạn từ đường Lò Lu đến Nguyễn Duy Trinh) tăng 260 tỷ đồng…
Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để khái toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được đầy đủ, tránh tình trạng dự án nơi thừa nơi thiếu, Sở TN-MT đã đề ra một số giải pháp khắc phục.
Cụ thể, quá trình nghiên cứu tiền khả thi của dự án cần đánh giá đầy đủ và xác định phạm vi, ranh giới dự án được chính xác. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần phối hợp với quận, huyện, TP Thủ Đức để tham khảo đơn giá dự án đang thực hiện, vị trí tương đồng được duyệt giá theo thời gian gần nhất, tính toán thêm yếu tố “trượt giá” để khái toán chi phí.
Cùng với đó, việc khảo sát hiện trạng ranh dự án cần đối chiếu với bản đồ địa chính theo hệ tọa độ VN 2000 để xác định trường hợp xây dựng nhà trước tháng 7-2004, làm cơ sở ban đầu đưa vào diện bồi thường hay hỗ trợ.
Đối với các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, cần rà soát kỹ để giảm bớt khái toán kinh phí bồi thường. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư phải đẩy nhanh công tác phê duyệt dự án, tránh trường hợp giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí bồi thường.
Ngoài ra, địa phương cần vận động người dân đồng thuận cho đo đạc, kiểm đếm và cung cấp hồ sơ pháp lý trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, để có thể xác định chính xác diện tích bị ảnh hưởng và pháp lý về đất đai làm cơ sở tính toán chi phí bồi thường trước khi phê duyệt dự án.
UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại nhu cầu đăng ký vốn đầu tư công của các địa phương, để xem xét đảm bảo phân bổ vốn sát với thực tế, tránh tình trạng vốn cho đầu tư công nơi thiếu nơi thừa.