Vốn dài hạn cho bất động sản

Một số NHTMCP đã khởi động lại chương trình cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS), trong đó không chỉ nhắm vào nhu cầu vay mua nhà của khách hàng cá nhân, mà còn cho chủ đầu tư vay đầu tư dự án. ĐTTC đã trao đổi vấn đề này với ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) - một trong những NH đang đẩy mạnh cho vay BĐS những tháng cuối năm.

Một số NHTMCP đã khởi động lại chương trình cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS), trong đó không chỉ nhắm vào nhu cầu vay mua nhà của khách hàng cá nhân, mà còn cho chủ đầu tư vay đầu tư dự án. ĐTTC đã trao đổi vấn đề này với ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) - một trong những NH đang đẩy mạnh cho vay BĐS những tháng cuối năm.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thị trường BĐS đang tồn kho hàng chục ngàn căn hộ, việc OCB tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này liệu có rủi ro?

Ông PHẠM LINH: - OCB còn dư địa tín dụng rất lớn để phát triển tín dụng BĐS, bởi dư nợ cho vay lĩnh vực này của OCB rất thấp, chỉ chiếm 4-5%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, chúng tôi rất thận trọng và đang tiền hành sàng lọc để chọn những nhà đầu tư có tài chính minh bạch, tốt mới tài trợ. Cụ thể, OCB vừa ký hợp đồng tín dụng đầu tư 80 tỷ đồng vào dự án căn hộ E Home 3 Tây Sài Gòn của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG).

Đây là dự án quy mô lớn dành cho người có thu nhập trung bình và ổn định (phần lớn căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng), đã mở bán 2 đợt và đã bán được 210 căn hộ. Nam Long là công ty BĐS có chiến lược kinh doanh dài hạn tập trung vào phân khúc nhà cho người thu nhập thấp.

Phân khúc khách hàng này đang có nhu cầu thực sự về nhà ở trên thị trường hiện nay. Vì thế, chúng tôi tin tưởng việc tài trợ vốn của OCB góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Nam Long triển khai dự án thành công, đồng thời mang lại cho OCB doanh thu thuần từ hoạt động cho vay, quản lý dòng tiền của dự án.

Phối cảnh dự án căn hộ E Home 3 Tây Sài Gòn của CTCP Đầu tư Nam Long.

Phối cảnh dự án căn hộ E Home 3 Tây Sài Gòn của CTCP Đầu tư Nam Long.

- Vậy tiêu chí của OCB khi đầu tư vào một dự án BĐS như thế nào?

- Kinh doanh BĐS phải có tầm nhìn dài hạn, cam kết lâu dài với khách hàng và đối tác. Nhiều doanh nghiệp chiến lược ban đầu là xây dựng nhà cho cán bộ công chức nhưng trong quá trình triển khai lại đổ vốn đầu tư vào phân khúc khác làm ảnh hưởng đến chiến lược công ty và đối tác.

OCB cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp nhưng sẽ chỉ tập trung những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, thế mạnh thị trường, chứng minh được năng lực tài chính cũng như phân khúc khách hàng mình nhắm đến.

Ngoài dự án E Home 3, hiện tại OCB triển khai ký kết toàn diện với Tập đoàn Hà Đô hạn mức tài trợ 100 tỷ đồng. Những dự án OCB đầu tư hiện nay có phân khúc khách hàng rõ ràng, chất lượng xây dựng đảm bảo, phù hợp thu nhập của người mua.

- Ngoài đầu tư dự án, OCB có cho người dân vay mua nhà để ở?

- OCB đang tích cực triển khai sản phẩm tín dụng cho người tiêu dùng, những người có nhu cầu vay vốn mua nhà. Theo đó, những căn hộ 800 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng người tiêu dùng có thể vay một nửa số tiền đó và trả nợ trong 5-7 năm. Lãi suất cho vay cá nhân khoảng 16%/năm người dân có thể chấp nhận được.

Chúng tôi cũng chọn những dự án để tài trợ cho người mua, đặc biệt là công chức trẻ có nhu cầu định cư. OCB cũng ký kết với Công ty Nam Long hỗ trợ cho người mua căn hộ với mức lãi suất hợp lý dựa trên lãi suất huy động NH + margin 3-4% với thời hạn cho vay 5-7 năm.

- Vì sao OCB đẩy mạnh cho vay BĐS trong khi nợ xấu ở lĩnh vực này đang gia tăng?

- OCB may mắn không vướng vào vấn đề nợ xấu ở lĩnh vực BĐS. Năm 2008 khi đối tác chiến lược BNP Paribas (Pháp) đầu tư vào OCB, chúng tôi đã định hướng rõ ràng mảng phân khúc tín dụng đến là doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất, bên cạnh đó là khách hàng cá nhân có thu nhập khá.

Hiện tại nguồn vốn dài hạn của OCB được tài trợ từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Với chiến lược cho vay rõ ràng, bài bản, có đầu ra tiềm năng, chúng tôi tin tưởng dư nợ cho vay BĐS sẽ an toàn và hiệu quả.

- Từ đầu năm đến nay dư nợ cho vay của OCB có khả quan?

- Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam có sự chống chọi với khó khăn khá tốt, ngoài một số ngành khó khăn mang tính chu kỳ của nền kinh tế, đa số doanh nghiệp vẫn còn tốt, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện tại hàng hóa Việt Nam đang hút hàng rất lớn và mạnh trên thị trường nước ngoài.

Điều này tạo cơ hội việc làm ổn định cho người dân và nền kinh tế. Người dân có việc làm ổn định sẽ giúp các mảng kinh doanh, đặc biệt thị trường BĐS ấm trở lại.

Từ đầu năm đến nay, OCB ký khá nhiều hạn mức tín dụng với doanh nghiệp, nếu tính cả hạn mức ký kết, tăng trưởng tín dụng của OCB tăng gần 25%, phù hợp với xu thế thị trường, trong đó hơn 80% tín dụng doanh nghiệp tập trung cho doanh nghiệp xuất khẩu (gạo, cao su, sắn lát…).

Ngoài ra, OCB cũng giải ngân cho vay một số dự án BĐS. Để có vốn dài hạn tài trợ cho người dân mua căn hộ do OCB tài trợ đầu tư, chúng tôi đang làm việc với một số đối tác nước ngoài để có nguồn vốn dài hạn, có thể kéo dài đến 15 năm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận vốn dài hạn giá rẻ để an cư lạc nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác