Tăng 86,04%
Đại diện HEPZA chia sẻ, tổng vốn đầu tư thu hút từ đầu năm đến nay (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt 117,76 triệu USD, tăng 86,04% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tập trung tăng mạnh ở 11 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 60,51 triệu USD, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2019. Có 6 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 5,48 triệu USD, giảm 74,25% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù giảm nhưng trong cơ cấu đầu tư mới, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt tăng mạnh. Cụ thể, tổng vốn đầu tư trong nước đạt 51,77 triệu USD, tăng 37,27% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới 13 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 37,76 triệu USD, tăng 26,55%. Ngoài ra, có 12 dự án điều chỉnh tăng 14,02 triệu USD, tăng 77,98%.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tình hình thu hút đầu tư chung của cả nước, bao gồm vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD (giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019), thì tình hình thu hút đầu tư tại các KCX-KCN TP có tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được HEPZA lý giải là việc tăng vốn này chủ yếu đã có kế hoạch từ trước.
Nhận định về diễn biến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khó dự đoán bởi dịch Covid-19, nhưng Việt Nam hiện là nước được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong phòng chống dịch Covid-19.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng KCX-KCN
Trên thực tế, từ cuối năm 2019, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại TPHCM, thành phố đã thực hiện rà soát lại thực trạng hoạt động, cũng như khả năng tiếp nhận doanh nghiệp của các KCX-KCN. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến nay thành phố có 17 KCX-KCN trong tổng số 19 KCX-KCN được thành lập đã đi vào hoạt động, với diện tích đất cho thuê đạt gần 1.800ha/tổng số hơn 2.500ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%.
Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới KCN Vĩnh Lộc 3 tại huyện Bình Chánh rộng khoảng 200ha, mở rộng KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 với diện tích tăng thêm là 392,89ha. Theo quy hoạch đến cuối năm nay, thành phố sẽ có 23 KCX-KCN tập trung với tổng diện tích 5.797,62ha.
Ở góc độ khác, hoạt động của các KCX-KCN vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Marvin Tsao, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho rằng, diện tích còn trống trong các KCX-KCN còn nhiều, nhưng bị da beo nên rất khó thu hút những doanh nghiệp cần quy mô nhà xưởng lớn, nhất là với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối (doanh nghiệp có công nghệ cao thường đòi hỏi diện tích đầu tư lớn). Do vậy, cùng với việc đầu tư mới những KCN, thành phố phải tính đến hiệu quả sử dụng đất, tránh lập lại tình trạng diện tích đất còn lại bị da beo như những KCN đang hoạt động.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, cũng như mở rộng quy mô đầu tư, thành phố và các cơ quan chức năng cần sớm minh bạch thông tin quy hoạch ngành nghề đầu tư các KCN nói chung.
Bên cạnh đó, phải cải thiện hạ tầng tại đây vốn đang bị xuống cấp sau một thời gian dài đi vào vận hành. Các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất tại KCN cũng cần được triển khai nhanh, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Dự báo tình hình thu hút đầu tư trong quý 2 và giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Do đó, ngoài những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của thành phố thì việc duy trì giữ được ổn định, kiểm soát lạm phát, và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả từ cấp trung ương đến địa phương sẽ là điều hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Đại diện HEPZA cho biết, đơn vị này đang có chính sách ưu đãi đầu tư cho kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm, kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, ưu đãi đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo chủ trương mới của Chính phủ. |