Ngôi sao đang lên
Năm 2021 nền kinh tế thế giới chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhưng giới khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn thu hút được nguồn vốn đầu tư kỷ lục lên tới hơn 1,3 tỷ USD. Mức thu hút này gấp 3 lần so với năm 2020 và gấp 1,5 lần so với năm 2019 trước đại dịch. Đã có rất nhiều đánh giá tích cực về giới khởi nghiệp của Việt Nam thời điểm đó.
Cụ thể, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á, sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 2 khu vực vào năm 2022. Quỹ này cũng nhận định sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang tiến rất gần những nước có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ như Singapore hay Indonesia.
Một khảo sát khác của Quỹ đầu tư Do Ventures cũng cho thấy tiềm năng của giới khởi nghiệp Việt Nam. Theo đó, Do Ventures đã khảo sát 50 quỹ đang hoạt động tại 6 thị trường ở Đông Nam Á, kết quả cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, với các lĩnh vực mới nổi là giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.
Bước qua 6 tháng đầu năm 2022, dòng vốn tiếp tục được đổ mạnh vào các startup Việt với những thương vụ rót vốn lên tới hàng trăm triệu USD. Tiêu biểu như thương vụ rót 150 triệu USD vào Sky Mavis, công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity. Dẫn đầu vòng tài trợ này là Binance. Một thương vụ khác cũng thu hút được nhiều sự chú ý, là Quadria Capital (quỹ đầu tư quản lý danh mục tài sản 2,5 tỷ USD) rót 90 triệu USD vào CTCP Con Cưng.
Bên cạnh những thương vụ khủng, còn khá nhiều thương vụ với mức đầu tư nhỏ hơn. Cụ thể, Công ty OnPoint cung cấp giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử đã gọi vốn thành công từ một thành viên của Quỹ đầu tư SeaTown Private Capital Master Fund thuộc SeaTown Holdings International, thành viên của Temasek Holdings.
Tổng giá trị đầu tư của SeaTown lên đến 50 triệu USD. Đây là thương vụ rót vốn lớn nhất trong ngành hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong 5 năm qua. Hay Finhay nhận được nguồn vốn đầu tư 25 triệu USD trong vòng gọi vốn series B, được dẫn dắt bởi Openspace Ventures (OSV), một tổ chức đầu tư mạo hiểm đã nâng đỡ nhiều startup công nghệ tiếng tăm ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn có các thương vụ nổi bật khác như Ngân hàng số Timo gọi vốn thành công từ tập đoàn đầu tư mạo hiểm của Australia và nhóm nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 20 triệu USD. Hay thương vụ Jio Health, startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Việt Nam, vừa hoàn thiện vòng gọi vốn series B trị giá 20 triệu USD do Quỹ đầu tư Heritas Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu…
Trước bối cảnh sôi động ấy, một số dự báo hồi giữa năm đã khá lạc quan, khi cho rằng năm nay Việt Nam có thể chứng kiến mức đầu tư kỷ lục 2 tỷ USD vào giới khởi nghiệp, và những kỳ lân công nghệ tiếp theo của khu vực Đông Nam Á có thể sẽ đến từ Việt Nam. Nhưng mọi chuyện có lẽ không dễ dàng như dự báo.
Tốc độ rót vốn sẽ chậm lại
Tốc độ rót vốn sẽ chậm lại
Từ khoảng tháng 7 đến nay đã dần vắng bóng các thương vụ rót vốn khủng vào giới khởi nghiệp Việt Nam. Một nhận định không mấy lạc quan nhưng lại nhận được nhiều sự đồng tình, là dòng vốn từ các quỹ trong và ngoài nước đổ vào startup Việt sẽ chậm lại.
Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions, cho biết một số nguyên nhân khiến dòng vốn vào giới khởi nghiệp Việt sẽ chậm lại trong thời gian tới. Thứ nhất, startup luôn phải gắn với môi trường kinh doanh, với kinh tế vĩ mô, nên không thể nói rằng startup không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hiện tại. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, khu vực bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư và quỹ đầu tư sẽ cân nhắc, lưu tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả hoạt động của các startup trước khi rót vốn.
Thứ hai, việc nhiều cổ phiếu công nghệ lớn trên thế giới giảm tốc, lãi suất nhiều ngân hàng lớn tăng mạnh, và khi kinh tế khó khăn những lời khuyên như “tiền mặt là vua” đang khiến các công ty khởi nghiệp nói chung và giới khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng trở nên ít hấp dẫn hơn. Các quỹ, nhà đầu tư chắc chắn sẽ cân nhắc trong việc rót vốn vào các công ty chỉ ở dạng tiềm năng, mà muốn đưa vốn vào những nơi trú ẩn an toàn.
Vậy trong bối cảnh dòng vốn đang chậm lại, các startup Việt nên làm gì? Ông Việt nhắc đến câu nói khá phổ biến trong giới khởi nghiệp công nghệ: “Mùa Đông để xây dựng”. Khi mọi thứ chậm lại, startup cần xây dựng năng lực, hệ thống của mình tốt hơn, để khi có thời cơ sẵn sàng tăng tốc gọi vốn.
Vì các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư không hoàn toàn ngủ đông mà đang âm thầm tìm kiếm những startup tốt, phù hợp để rót vốn. Ngoài ra, startup sinh ra là để tìm kiếm những công thức thành công mới, nên trong những giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện tại mà không tranh thủ tìm được lối đi, cách đi riêng và nhanh hơn, khó có thể gọi là startup.
Thực tế, đây được cho là thời gian để gạn lọc các startup thực sự có chất lượng. Bởi theo đánh giá thị trường nói chung và cụ thể trong từng ngành nghề, lĩnh vực chỉ cần có 1, 2 hoặc nhiều hơn là 3 startup hoạt động đủ tốt, không cần kiểu “trăm hoa đua nở rồi sớm lụi tàn”. Bằng chứng là có startup nhận vốn khủng nhưng vẫn phải nói lời chia tay thị trường, như Propzy nhận đầu tư tới gần 30 triệu USD nhưng đã phải đóng cửa hồi tháng 9 vừa qua.
Với những phân tích này, dự báo nguồn vốn 2 tỷ USD vào giới khởi nghiệp của Việt Nam khó thành hiện thực. Đà giảm của dòng vốn đầu tư sẽ không dừng lại ở năm 2022 mà có thể kéo dài trong 1-2 năm tới, khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động. Tech Collective cũng đưa ra nhận định hoạt động đầu tư mạo hiểm nói chung trong năm 2023 sẽ không mấy hứa hẹn, trong bối cảnh thị trường đang có nhiều rủi ro và thách thức.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, startup Việt cần linh hoạt tìm được lối đi, cách đi riêng và nhanh hơn, mới có thể gọi vốn lớn được. |