Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và vốn vay một cách hiệu quả, tạo đột phá về giải ngân cho các chương trình, dự án trong năm 2013.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với mức cam kết lên trên 70 tỷ USD. Tính đến hết năm 2012, giải ngân vốn ODA đạt khoảng 35 tỷ USD, bằng 50% mức vốn cam kết.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn tồn tại một số hạn chế và bất cập, nhất là trong vấn đề giải ngân. Mặc dù các chỉ tiêu về cam kết, ký kết đều đạt và vượt kế hoạch đề ra nhưng tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA vẫn chưa đạt yêu cầu và đối với một số nhà tài trợ, còn thấp hơn với mức bình quân của khu vực và thế giới.
Chẳng hạn, với vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ giải ngân của Việt Nam là 11,6% so với 19,4% của khu vực; với vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỷ lệ của Việt Nam là 13,6% so với 16,6% của quốc tế.
Nhiều chương trình, dự án đầu tư bằng vốn vay ODA phải gia hạn, dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm do các công trình này chậm đưa vào khai thác, sử dụng. Sự chậm trễ trong triển khai và giải ngân thấp thời gian qua đã gây khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ đưa ra các khoản cam kết mới hoặc tăng vốn ODA cho Việt Nam.
Chính vì thế, yêu cầu về tăng cường chất lượng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA đặt ra nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn này trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.
Trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến nguồn vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết khoảng 32-34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14-16 tỷ USD. Với tốc độ như hiện nay, mục tiêu này khá khó khăn nếu những bất cập, tồn tại không sớm được tháo gỡ.
Theo Bộ KH-ĐT, hiện vẫn còn xung đột về mặt pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Ngoài sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, chính sách về an sinh xã hội (đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...) cũng gây khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện, từ đó làm chậm tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, thực tế sử dụng ODA thời gian qua cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm là do thiếu vốn đối ứng.
Theo kế hoạch tăng cường thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA, Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và thông tư hướng dẫn thực hiện từ quý II-2012. Tuy nhiên, đến nay dự thảo nghị định này vẫn chưa thể hoàn tất.
Kéo theo đó, chủ trương cho tư nhân tiếp cận vốn ODA (được Ban Bí thư quyết định từ năm 2010) - vốn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong giải ngân vốn ODA, vẫn chưa đi vào thực tế. Theo nhiều chuyên gia, để quá trình từ chính sách đến thực tiễn được rút ngắn, trước hết thông tin về các nguồn ODA cần được công khai, minh bạch với các chủ thể có khả năng tham gia thực hiện.
Bộ KH-ĐT nên hình thành tổ chức chuyên trách thu hút vốn ODA cho các dự án của kinh tế ngoài quốc doanh từ khâu thẩm định, giới thiệu quảng bá, tìm nguồn vốn và tham gia cùng các chủ doanh nghiệp trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần xác lập khung pháp lý, các điều kiện tài chính và năng lực chuyên môn đi kèm để bảo lãnh cho các nguồn vốn vay ODA của các chủ doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT tổng kết, đánh giá toàn diện công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong 20 năm qua; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để kịp thời áp dụng Nghị định thay thế Nghị định 131 năm 2006 của Chính phủ sau khi được ban hành. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh và tạo đột phá về giải ngân vốn ODA trong thời gian tới.