Ngược lại với tình hình giải ngân, huy động TPCP lại rất sôi động. Năm 2020 huy động TPCP đạt 350.227 tỷ đồng, trong đó Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động hơn 323.953 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch điều chỉnh năm 2020; Ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam huy động 21.900 tỷ đồng và NH Chính sách Xã hội huy động 4.375 tỷ đồng. Đầu năm 2021, KBNN lên kế hoạch huy động 350.000 tỷ đồng.
Song nhờ việc huy động thuận lợi dẫn đến việc KBNN thông báo điều chỉnh kế hoạch năm 2021 nâng lên 373.000 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 11, KBNN đã phát hành thành công 287.993 tỷ đồng, tương ứng 77,21% kế hoạch sau điều chỉnh.
Huy động tốt nhưng khó giải ngân, đương nhiên KBNN đem tiền huy động từ TPCP gửi nhà băng. Nhóm nghiên cứu Ban Kinh tế Trung ương cho biết, kể từ tháng 10-2020 số dư tiền gửi của KBNN tại hệ thống NH luôn trên 600.000 tỷ đồng và gần đây đang tiếp tục tăng gần 700.000 tỷ đồng.
Việc không thể giải ngân được vốn đầu tư từ TPCP làm cho lãi suất TPCP ở Việt Nam thấp kỷ lục. Từ đầu năm đến nay lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm chỉ xoay quanh 2,1-2,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 5 năm chỉ biến động quanh mức 0,8-1,1%. Và theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, lãi suất TPCP Việt Nam ở mức tương đối thấp trong khu vực.
Vài năm nay, lượng tiền từ KBNN trở thành một phần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Song trên thị trường TPCP, NHTM lại là một trong các người mua chính. Một cách lòng vòng, các khoản tiền của các NHTM đi đầu tư TPCP lại trở về nằm trong NH. Dù vậy, khoản tiền này cũng có nhược điểm.
Chuyển động của dòng tiền này có tác động đáng kể đến sự tăng giảm của lãi suất liên NH một cách rõ ràng khi KBNN gửi hoặc rút. Theo đó, bắt đầu từ năm 2017, NHNN phải bám sát diễn biến của tiền gửi KBNN để bơm hút đúng lúc về thông qua hoạt động phát hành tín phiếu, mua kỳ hạn giấy tờ có giá nhằm bình ổn thị trường liên NH.
Ở thời điểm hiện tại, giải ngân đầu tư công ì ạch, KBNN chưa rút tiền ra, các NH vẫn còn nguồn dồi dào. NHNN không cần thực hiện các nghiệp vụ bơm hút. Song mới đây, Chính phủ đã lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công ở mức cao nhất.
Như vậy, nếu KBNN rút bớt tiền gửi tại các NHTM để giải ngân vốn, NHNN sẽ đứng trước áp lực bơm ròng để tăng khả năng thanh khoản của các NHTM, đi kèm với hoạt động đó sẽ tiềm ẩn rủi ro liên quan đến lạm phát.
Nói như vậy nhưng có thể tin rằng, với diễn biến gửi rút của KBNN, NHNN sẽ có giải pháp để điều hành hợp lý. Vấn đề quan trọng hơn là phải làm thế nào để giải ngân vốn đầu tư công từ vốn TPCP. Vì đây là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, là động lực để nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhưng tổng kết nguyên nhân từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình giải ngân vốn đầu tư công năm nay bị ảnh hưởng bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, dịch Covid-19 dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến các vấn đề về nguyên liệu, vật liệu, nhân công… tác động đến tiến độ giải ngân.
Về chủ quan, công tác chuẩn bị dự án rất kém, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư mới bắt đầu chuẩn bị thực hiện nên mất thời gian.
Gần đây cũng có ý kiến cho rằng, khi nền kinh tế đang cần phục hồi, nên chăng sử dụng một phần nguồn từ vốn huy động TPCP để thực hiện gói chính sách, gói hỗ trợ vì đây là nhu cầu tối quan trọng trong lúc này.
Bởi vốn TPCP đã huy động được đang nằm “bất động” tại các nhà băng, trong khi nền kinh tế và doanh nghiệp đang trông chờ được trợ sức từ chính sách tài khóa nhưng kênh tài khóa lại có sự hạn chế ngân sách.
Với mức lãi suất vừa qua, TPCP là nguồn vốn giá rẻ Việt Nam có thể huy động được có thể dùng để phục hồi kinh tế, nhưng dường như lợi thế này đang bị bỏ qua.