Vòng quay dòng tiền đang chậm lại

(ĐTTCO) - Sau cuộc họp đồng thuận giảm lãi suất cho vay ngày 12-7, các ngân hàng (NH) đã nối tiếp nhau công bố chính sách giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) không đồng tình mức giảm lãi vay của NH, có ý kiến cần giảm sâu lãi suất 3-5%/năm.

Vòng quay dòng tiền đang chậm lại
Nhiều phản ánh cho thấy không phải DN nào cũng được hưởng hoặc hưởng không đáng kể. Đại diện Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết NH nói giảm lãi suất 0,5-1%/năm nhưng có DN chưa đến mức đó. Việc DN “lọt sàng xuống nia” như vậy vì chính sách giảm lãi vay của mỗi NH áp dụng mỗi đối tượng khác nhau.
Chẳng hạn, Sacombank hướng đến các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế… Hay Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giảm tới 1%/năm cho các khách hàng còn lại và cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm tới 0,5%/năm cho cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Có nghĩa nếu vay đúng NH đó, nằm đúng nhóm khách được hỗ trợ, DN sẽ được ưu tiên giảm lãi.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội kiến nghị NHNN chỉ đạo các NH hỗ trợ về vốn cho DN như giảm 3-5% lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020)…
Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy được sự mâu thuẫn của DN và NH trong vấn đề lãi suất. DN muốn giảm sâu lãi suất khi đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Song như Vietcombank thông tin, đây là đợt giảm lãi lớn nhất trong năm 2021 hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến 4.000 tỷ đồng và cả năm 6.100 tỷ đồng. 
Theo một chuyên gia kinh tế, hiện các NH đang gặp khó khăn do tiền bơm ra gặp trở ngại lớn, thể hiện qua vòng quay của tiền chậm lại. Trước đây, dòng tiền quay 3,4-3,5 lần/năm, nay còn khoảng 1,5 vòng/năm vì bị tắc nghẽn khắp nơi. Nợ xấu, nợ tái cơ cấu khiến tiền không quay được. Hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa tắc nghẽn khiến nợ giữa các DN với nhau không thanh toán được, DN chiếm dụng vốn nhiều hơn, hay việc thương mại đình đốn trong lĩnh vực dịch vụ… cũng khiến tiền không quay được.
Chính vì vậy, NH phải tìm cách tối ưu lợi ích của họ để đáp ứng bài toán lợi nhuận. NH chỉ có thể chia sẻ, hỗ trợ, không thể cào bằng hoặc mạnh tay giảm sâu lãi suất được. Vì thế, dù NHNN liên tục khẳng định giảm lãi suất cho DN là rất căn cơ, thiết thực. Song thực chất nhiệm vụ này khó đạt nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Trong khi đó, NHNN hiện chưa có ý định giảm lãi suất điều hành. Theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các NHTM vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế. Vốn khả dụng hay  thanh khoản các NHTM khá dồi dào, lãi suất thị trường liên NH khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh.
Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay. Đương nhiên, NHNN cũng lo lắng nếu lãi suất giảm sâu có thể khiến vốn chạy vào lĩnh vực rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế.

Các tin khác