Từ niềm đam mê robot
Trong danh sách hơn 100 người Việt trẻ tài năng về nước dự Chương trình kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo, TS. Vũ Duy Thức, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty OhmniLabs, chuyên sản xuất robot kết nối trực tuyến tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Vũ Duy Thức là một trong những người khai sinh robot gia đình và là người Việt Nam duy nhất được Silicon Valley Business Journal - Tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có thành tích ấn tượng tại Silicon Valley (Mỹ) năm 2017.
Xuất thân là học sinh chuyên khối Tin học ở Trường THPT Năng Khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Vũ Duy Thức từng đoạt nhiều giải nhất cấp quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và Mỹ. Vũ Duy Thức cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị và tạp chí khoa học quốc tế.
Tốt nghiệp cử nhân với điểm tuyệt đối 4/4 (hạng ưu) tại đại học danh tiếng về công nghệ tin học - Carnegie Mellon, Vũ Duy Thức cũng đồng thời đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu Tin học Mỹ (CRA), được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại 7 trường đại học hàng đầu của Mỹ. Năm 2010, Vũ Duy Thức lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học Stanford (Mỹ), khi anh 28 tuổi và là người Việt trẻ nhất từng nhận bằng tiến sĩ.
Chia sẻ về đam mê với robotics, TS. Thức cho biết, từ khi còn học đại học anh đã rất thích robot và từng viết phần mềm cho robot Aibo của Sony. Lĩnh vực robot trước giờ phát triển rất mạnh trong ngành công nghiệp và quân sự, nhưng ở trong địa hạt dân dụng chưa nhiều. Hiện tại, OhmniLabs đang phát triển hệ thống thư viện mở cho cả phần mềm lẫn phần cứng, để cộng đồng có thể dựa vào đó nghiên cứu và chế tạo robot một cách nhanh chóng với giá thành thấp nhất, cũng như xây dựng hệ thống dịch vụ cho việc chế tạo robot.
Ngoài nhà khoa học, Vũy Duy Thức còn được biết đến với vai trò doanh nhân khá thành công, khi là nhà đồng sáng lập 2 công ty Katango và Tappy. Đến nay cả 2 công ty này đều nhanh chóng được tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google và Weeby.co mua lại.
TS. Vũ Duy Thức trao học bổng cho sinh viên Việt Nam năm 2017.
Đột phá cho robot
Mặc dù robot đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng hầu hết vẫn chỉ được thiết kế phục vụ sản xuất công nghiệp, trong khi robot gia đình mới chỉ phổ biến 2 loại dùng làm hút bụi và đồ chơi. Ý tưởng về một robot giúp việc, với khởi đầu giúp con người giao tiếp, tương tác từ xa thực sự chưa có mấy người nghĩ tới. Là chuyên gia trong lĩnh vực AI và thuật toán, niềm đam mê của Vũ Duy Thức là robot, muốn biến những thiết bị, dữ liệu khô khan thành công cụ phục vụ đời sống con người.
Mong muốn đó được thực hiện chỉ hơn một năm sau khi thành lập Công ty OhmniLabs (2015), với sự ra đời của phiên bản robot Ohmni thử nghiệm - một robot trong nhà cho phép người dùng kết nối với người thân qua video chat. Ohmni mang đến cho người dùng trải nghiệm tự nhiên như thể được tương tác, trò chuyện trực tiếp với người thân ở phương xa, trút bỏ những bất tiện của việc sử dụng máy tính/tablet thông thường khi nghe gọi.
Thông qua Ohmni, những cuộc gọi video được thực hiện và kết nối tự động có thể thu, phát hình trực tiếp. Robot cũng có thể tự động đi theo cùng con người để xem phim, đi dạo giống như một người bạn.
Với tham vọng tạo nên bước đột phá về robot bằng cách tạo ra một nền tảng mở để giảm chi phí đầu tư và thời gian nghiên cứu, TS. Vũ Duy Thức cùng đồng nghiệp xây dựng hệ thống mở Kambria (open platform) dựa trên công nghệ blockchain. Từ nền tảng có sẵn, bất cứ kỹ sư lập trình nào cũng có thể đóng góp và phát triển thêm để có những con robot giá rẻ do không phải nghiên cứu từ đầu.
Cùng với Ohmni và Kambria, Vũ Duy Thức đang rất nỗ lực để góp phần vào thị trường AI và Robotics đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào tất cả lĩnh vực của đời sống như công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục...
Hiện anh là nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp và hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam, để đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo, phòng thí nghiệm, những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển robot để kết nối sinh viên với các nhà nghiên cứu hợp tác tại Việt Nam và các nước có nền công nghiệp phát triển theo nhiều mảng dựa trên nền tảng Kambria.
Anh cũng kết nối những trung tâm này với những công ty công nghệ lớn và trường đại học hàng đầu thế giới, để tạo ra một môi trường trao đổi nghiên cứu về robot tốt nhất cho Việt Nam. Những chương trình giáo dục đào tạo có uy tín về AI từ Silicon Valley (Mỹ) như của Đại học danh tiếng Stanford hoặc của Google, cũng đang được TS. Thức đưa về nước để đào tạo cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam tài năng.
TS. Vũ Duy Thức có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam và Thung lũng Silicon. Trong đó có Quỹ học bổng VietSeeds do anh là đồng sáng lập đang duy trì suốt hơn 7 năm qua. Đến nay quỹ đã trao tặng hơn 200 suất học bổng cho sinh viên, học sinh với trị giá 4.000USD/suất. |