Liên doanh kiểu “trời ơi”
Dự án Khu phức hợp thương mại - khách sạn - căn hộ Tropicana (40 Trần Phú, TP Nha Trang) đang xây dựng trên nền đất khách sạn Hải Yến - vốn là đất công và tài sản nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa (Công ty Du lịch Khánh Hòa, thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý) thuê kinh doanh.
Ngày 8-4-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận được tờ trình của một nhóm đầu tư do ông Trần Xuân Toàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Toàn Hải Nam (gọi tắt Công ty Toàn Hải Nam, trụ sở TPHCM), xin được đầu tư bằng hình thức liên doanh với Công ty Du lịch Khánh Hòa để xây dựng khu phức hợp gồm khách sạn, căn hộ cao cấp tại vị trí đất khách sạn Hải Yến - Viễn Đông (TP Nha Trang). Tháng 9-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo chỉ định nhà đầu tư là Công ty Toàn Hải Nam làm chủ đầu tư, liên doanh với Công ty Du lịch Khánh Hòa thực hiện dự án. Sau đó, 2 doanh nghiệp (DN) này liên kết và hình thành nên Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang để thực hiện dự án trên diện tích hơn 10.000m² mặt tiền biển Trần Phú.
Liên doanh giữa 2 công ty này là loại hình công ty có 2 thành viên trở lên, vốn điều lệ tại thời điểm liên doanh là 50 tỷ đồng; trong đó, Công ty Du lịch Khánh Hòa góp 10 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần. Đến ngày 25-9-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chuyển toàn bộ cổ phần góp vốn của Công ty Du lịch Khánh Hòa cho Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco - DN thuộc tỉnh Khánh Hòa) kế thừa. Tại giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 vào tháng 8-2015, Công ty Miền nhiệt đới Nha Trang có vốn điều lệ là 180 tỷ đồng, trong đó Công ty Toàn Hải Nam (do ông Trần Xuân Toàn làm Chủ tịch HĐTV) chiếm 164 tỷ đồng, tương ứng 91,11%; Khatoco chiếm 16 tỷ đồng, tương ứng 8,89%. Như vậy, tỷ lệ góp vốn của DN nhà nước bị giảm hơn nửa sau 3 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, cũng có nghĩa quyền lợi đại diện cho tài sản công bị giảm tương ứng.
Tiếp đến, ngày 28-1-2015, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty Miền nhiệt đới Nha Trang, đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình có tổng mức đầu tư lên đến 1.289 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ góp vốn của DN nhà nước tiếp tục bị bóp nhỏ, chỉ có 16 tỷ đồng. Ngày 3-9-2015, đại diện Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa thay mặt UBND tỉnh ký hợp đồng cho Công ty Miền nhiệt đới Nha Trang thuê diện tích đất nói trên để làm dự án, quy mô trên 1.400 căn hộ cao cấp và nhiều hạng mục khác. Theo hợp đồng, giá thuê đất được tính là 459.116 đồng/m²/năm; ổn định trong thời hạn 5 năm và phương thức nộp tiền hàng năm, thời hạn thuê đất dài 47 năm (tính từ năm 2015 đến 2062). Như vậy, tính ra 1m² “đất vàng” tại Nha Trang được cho thuê chỉ hơn 38.000 đồng/tháng. Trong khi đó, giá đất hiện tại ở khu vực này dao động 500-600 triệu/m².
Thâu tóm đất công... để bán
Một trường hợp khác là khu “đất vàng” số 82 Trần Phú (TP Nha Trang) có 2 mặt tiền đường Trần Phú - Tuệ Tĩnh và nằm trên trục phố Tây, giá đất đắt nhất nhì Nha Trang. Theo hồ sơ, khu đất này có diện tích hơn 3.600m², do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý, nhưng qua nhiều lần hoán đổi, khu đất nói trên đã thuộc về Tập đoàn Hoàn Cầu. Năm 2010, tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch với quy mô 18 tầng cho Hoàn Cầu làm khách sạn Marriott. Đến năm 2013, dự án Khách sạn Marriott đổi tên thành dự án Ocean View Tower, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, khu đất 82 Trần Phú xếp vị trí 1, đường loại 1, hệ số vị trí 1,1, giá đất ở được UBND tỉnh quy định 24,75 triệu đồng/m²; đất kinh doanh phi nông nghiệp hơn 11 triệu đồng/m2. Vậy nên, căn cứ Quyết định 3376/QĐ-UBND ngày 24-12-2013 về phê duyệt giá đất của dự án Ocean View Tower, Tập đoàn Hoàn Cầu đã nộp số tiền sử dụng đất là 23,322 tỷ đồng để sở hữu hơn 3.619m² đất.
Đến năm 2014, tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch và đổi tên thành dự án là Mỹ Mỹ Plaza, quy mô 38 tầng nổi và 3 tầng hầm, chiều cao công trình 130,9m. Trước đó, dự án 2 lần được cấp phép xây dựng số 2400/GPXD ngày 24-9-2010 và giấy phép xây dựng số 45 GPXD ngày 8-9-2011, cả 2 đã hết hiệu lực khởi công nhưng công trình vẫn nằm im. Thế nhưng, đến năm 2014, khu đất này đã được Sở TN-MT Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư. Và hiện nay, dự án đã sang tên chủ sở hữu khác, đó là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương Nha Trang.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhìn nhận, việc định giá đất tại dự án 82 Trần Phú là quá rẻ, thất thu ngân sách rất lớn. Bởi vào năm 2008, khu đất số 48 Trần Phú, cách lô đất 82 Trần Phú không xa, có diện tích tương tự là 3.642m² đã được tỉnh Khánh Hòa đấu giá thành công và thu về số tiền 221,6 tỷ đồng. Đáng ra, dự án giao cho Tập đoàn Hoàn Cầu và đã 2 lần cấp giấy phép nhưng chậm triển khai thì nên chấm dứt, thu hồi đất dự án để tránh lãng phí. Nhưng không hiểu sao, dự án này lại được hợp thức sang tay cho DN khác khiến cho tài sản nhà nước bị thất thu rất lớn.