Vụ Khaisilk gắn mác hàng VN vào khăn lụa Trung Quốc: Đánh cắp niềm tin

(ĐTTCO)-Ngày 26.10, Bộ Công thương đã chỉ đạo khẩn cấp kiểm tra làm rõ nguồn gốc khăn lụa Khaisilk vừa có mác 'Made in Vietnam' vừa có nhãn mác 'Made in China' để đưa ra hướng xử lý.
 
Vụ Khaisilk gắn mác hàng VN vào khăn lụa Trung Quốc: Đánh cắp niềm tin
Chỉ đạo này được đưa ra ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ việc.
Ngay đầu giờ chiều hôm qua, đoàn thanh tra liên ngành đến kiểm tra cửa hàng Khaisilk ở số 113 Hàng Gai (Hà Nội). Đây là cửa hàng đã bán lô khăn lụa vừa có nhãn xuất xứ Trung Quốc (TQ) vừa có nhãn xuất xứ VN. Lực lượng liên ngành đã tạm giữ thêm 56 sản phẩm khăn lụa Khaisilk nhưng có nhãn hàng “Made in China”. Trong khi đó, nhiều cửa hàng Khaisilk ở TP.HCM đóng cửa.
Mở rộng điều tra
Ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, cho hay lực lượng chức năng đã kết thúc kiểm tra hiện trường và thu về 56 sản phẩm tại đây.
"Đây đều là những mặt hàng lụa có nguồn gốc từ TQ nhưng nhãn mác lại ghi Made in Vietnam. Đại diện cửa hàng cho biết lô hàng này có 60 sản phẩm, song đã bán được 4 sản phẩm nên số còn lại chúng tôi tạm giữ hết. Tổng giá trị hàng hóa ước khoảng hơn 30 triệu đồng", ông Kiên nói. 
Trả lời câu hỏi về việc chủ thương hiệu đã thừa nhận trên báo chí rằng nhiều năm qua, 50% sản phẩm lụa Khaisilk là hàng TQ, ông Kiên cho rằng nếu doanh nghiệp (DN) mua lụa có xuất xứ từ TQ hay bất cứ nước nào rồi đưa về VN để gia công như thêu ren hay thiết kế lại thì hoàn toàn được phép để nhãn mác là Khaisilk.
"Nhưng nếu hàng TQ mà lại dán mác Made in Vietnam là sai, và với gần 60 sản phẩm mà chúng tôi thu được thì DN đã thừa nhận sai", ông Kiên nhấn mạnh và nói thêm, với việc thừa nhận này thì chúng ta có căn cứ để mở rộng điều tra, bởi Hà Nội chỉ có một cửa hàng Khaisilk trong khi ở Nha Trang, Hội An hay TP.HCM thì nhiều.
Trong khi đó, ông Trần Hùng, nguyên Phó chánh VP Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), nhìn nhận điều đáng tiếc trong vụ việc này là việc một thương hiệu lớn của VN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất niềm tin trong người dân đối với hàng nội địa.
"Tôi nhận được nhiều chia sẻ, tâm tư với vụ việc này từ người thân, bạn bè. Có thể nói đây là vụ việc chấn động, bởi không thể ngờ một thương hiệu lớn, nổi tiếng của VN từ hàng chục năm nay lại có chuyện như vậy. Vì như đã mặc định, nói đến gốm sứ là phải nhắc đến Minh Long, nói đến lụa là người ta nghĩ ngay Khaisilk", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cần mở rộng điều tra để xem có hay không việc công ty đã bán hàng xuất xứ từ TQ gần 30 năm qua như ông chủ hãng này tuyên bố. "Chúng ta cần kiểm tra hóa đơn chứng từ xem thật sự bao nhiêu hàng có xuất xứ từ TQ. Vì nếu là hàng TQ thì không thể bán cho người tiêu dùng giá đó trong khi ngoài chợ Đồng Xuân chỉ vài chục nghìn đồng một chiếc khăn. Nếu người tiêu dùng biết rằng đó là hàng TQ nhưng chỉ dán mác Khaisilk thì chắc chắn họ không mua với giá hơn nửa triệu đồng/sản phẩm", ông Hùng bức xúc. 
Về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên cho biết thêm, QLTT sẽ căn cứ hóa đơn, chứng từ để chuyển cơ quan thuế nhằm xem xét, truy thu thuế. "Nếu họ mua hàng TQ thì hóa đơn đôi khi chỉ 100.000 đồng/sản phẩm, trong khi giá bán ra là tiền triệu thì hoàn toàn truy thu thuế được", ông Kiên nói.
Đồ lụa Khaisilk là hàng giả
Hầu hết các chuyên gia kinh tế, luật sư khi được hỏi đều bức xúc việc làm của Tập đoàn Khaisilk. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là hành vi lừa người tiêu dùng (NTD) trong nước, cung cấp thông tin sai sự thật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN, phân tích: Theo quy định tại Nghị định 43/2017 của Chính phủ, xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa.
Còn theo quy định của luật Bảo vệ quyền lợi NTD, được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là một trong những quyền của NTD. Việc lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm.
Trường hợp Khaisilk lấy khăn lụa TQ nhưng gắn “Made in Vietnam” là làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho NTD. Ông Hùng nhấn mạnh: “Việc làm của Khaisilk đã xâm phạm đến quyền được cung cấp thông tin chính xác và đánh luôn vào quyền được lựa chọn của NTD, khi họ muốn mua hàng VN thì lại mua phải hàng TQ. Chúng ta đang vận động NTD hưởng ứng cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN, nay hàng trong nước cứ thật giả lẫn lộn thế này thì rất khó thuyết phục NTD trong việc ưu tiên dùng hàng Việt”.
Trong khi đó, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết căn cứ Nghị định 185/2013 ngày 15.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng giả gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Mặt hàng mà Khaisilk kinh doanh có xuất xứ từ TQ nhưng lại được gắn nhãn sản xuất tại VN nên có thể khẳng định đồ lụa Khaisilk là hàng giả.
Còn căn cứ luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là bị cấm. 
“Rõ ràng hành vi gây nhầm lẫn cho NTD về nguồn gốc hàng hóa của Khaisilk đã vi phạm quy định của pháp luật”, LS Hậu nói và phân tích thêm: “Chiếu theo các quy định, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ vi phạm. Trong trường hợp nặng nhất, cá nhân làm hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ tăng gấp 2 lần đối với DN vi phạm. Ngoài ra, theo quy định của bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, tổ chức thực hiện hành vi trên còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Gây thiệt hại cho cộng đồng DN Việt
Trục lợi khủng khiếp!
Rất dễ tìm thấy những chiếc khăn có kiểu dáng tương tự trên các trang web mua bán nổi tiếng của TQ như Taobao, Alibaba với giá thấp hơn Khaisilk 5 - 6 lần. Ví dụ một mẫu khăn thêu cửa hàng Khaisilk bán giá gần 2 triệu đồng thì trên các trang bán hàng của TQ chỉ khoảng 100 NDT, tương đương 340.000 đồng. Hay một mẫu khăn Khaisilk bán giá gần 1 triệu đồng thì phía TQ chỉ có giá khoảng 50 NDT, tương đương 170.000 đồng…
Lên án gay gắt hành vi kinh doanh của Khaisilk, LS Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, nhận định đây là hành vi lừa người tiêu dùng, lừa toàn xã hội, công chúng một cách trắng trợn.
“Mọi yếu tố để có thể kết tội làm hàng giả, gian lận trong kinh doanh, lừa đảo, quảng cáo gian dối đều có. Tuy nhiên, do những bất cập về chế tài, lỗ hổng trong pháp luật của chúng ta hiện nay nên rất khó để buộc vào những tội danh trên. Nhưng trốn thuế là một tội danh khác không thể chối cãi. Cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra được, từ đó có thể truy ra thêm các hành vi vi phạm khác để đưa ra truy tố hình sự”, LS Đức nói.
Vẫn theo LS Đức, nếu chỉ sai phạm một chút do điều kiện, hoàn cảnh thì còn có thể thông cảm. Nhưng câu chuyện này lại sai phạm liên tục trong quãng thời gian nhiều năm thì không thể tha thứ.
“Một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia mà làm ăn bất chấp, liều lĩnh như vậy thì mức độ ảnh hưởng rất khủng khiếp. Trước nhất là thiệt hại cho DN, tiếp đến cả ngành tơ lụa bị ảnh hưởng vì những cơ sở từ trước đến nay luôn giới thiệu bán tơ lụa Việt khó mà giữ vững niềm tin nơi khách hàng. Rộng hơn, NTD sẽ đặt dấu hỏi về hàng trong nước và còn ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trên đấu trường quốc tế”, LS Đức nhận định, đồng thời kiến nghị cần chỉnh sửa lại chế tài.
Đối với các hành vi tương tự, phải xử lý thật nghiêm khắc, không cần dựa vào số lượng hay giá trị của hàng hóa mà phải đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh và truy tố hình sự để các DN khác không dám vi phạm.
LS Nguyễn Văn Hậu cũng nhấn mạnh, Khaisilk là một đại diện cho các DN Việt đã đưa hàng VN ra nước ngoài rất nhiều. Việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng Việt trong mắt bạn bè thế giới. Từ đó người nước ngoài sẽ băn khoăn khi chọn mua các sản phẩm Việt, ngay cả ở các thương hiệu lớn. “Điều này sẽ gây thiệt hại rất nhiều đối với cộng đồng DN Việt”, LS Hậu nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Tác hại rất lớn. Đây là hoạt động gian lận thương mại, cố tình gian dối trong kinh doanh. Câu chuyện nhập hàng trôi nổi hay hàng giá rẻ, gắn mác VN bán lại trong nước với giá cao cũng diễn ra từ lâu ở một số DN nhỏ lẻ. Có thể vì việc quản lý của nhà nước chưa chặt chẽ nên tình trạng này vẫn diễn ra. Nhưng với thương hiệu lớn thì điều này cần phải được xử lý nghiêm minh vì tác hại sẽ vô cùng lớn. 
Chuyên gia quản trị Đỗ Hòa:
Lợi dụng lòng yêu nước của người tiêu dùng. Trong khi Chính phủ kêu gọi người dân có tinh thần dân tộc để ủng hộ hàng Việt thì chiêu gian lận này đã lợi dụng lòng yêu nước của nhiều người dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của NTD vào thương hiệu hàng hóa “Made in Vietnam”. Nhìn rộng hơn, không chỉ bị mất niềm tin của NTD trong nước mà khách nước ngoài cũng sẽ có tâm lý nghi ngờ phải chăng hàng VN đều có xuất xứ TQ? Vấn đề này rất quan trọng đối với thương hiệu VN nói chung. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, công ăn việc làm của người lao động nếu như có nhiều người quay lưng với hàng Việt.
Cần mạnh tay xử lý các trường hợp gian dối để bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm VN. Nếu chúng ta không tự bảo vệ được thương hiệu “Made in Vietnam” thì làm sao có thể xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm vóc quốc gia. 

Các tin khác