(ĐTTCO) - Nga vừa giành chiến thắng trong vụ kiện Yukos sau khi Tòa án Quận Hague ở Hà Lan bác bỏ quyết định ngày 18-7-2014 của Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague (PCA). Điều này đồng nghĩa với việc Nga không phải trả 50 tỷ USD cho các cổ đông cũ của Yukos theo quyết định của PCA và cuộc chiến tịch biên tài sản của Nga sẽ rẽ sang hướng mới.
Về phán quyết của Tòa án Quận Hague, tờ Le Figaro nhận định đây là điểm quyết định trong truyện dài kiện tụng tầm cỡ giữa các cổ đông cũ của Yukos và Chính phủ Nga. Từ sau phán quyết vô tiền khoáng hậu của PCA buộc chính phủ Nga bồi thường cho các cổ đông Yukos 50 tỷ USD, một trận chiến đã diễn ra giữa các văn phòng luật sư quốc tế và các công ty truyền thông, trải dài từ London đến Washington, từ Paris đến Berlin, New Delhi.
Tất cả bắt đầu cách đây 20 năm. Trong bối cảnh Nga cho phép tư nhân hóa rộng rãi, nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky đã lập công ty dầu khí tư nhân Yukos. Sau này, ông Khodorkovsky lãnh án tù vì tội danh trốn thuế, phải ngồi tù 10 năm. Đến 2013, ông này được trả tự do và giờ đang sống lưu vong ở London. Ông Khodorkovsky không dính đến vụ kiện của Yukos bởi năm 2005 khi còn trong tù, ông đã nhượng lại các cổ phần của mình cho các cổ đông khác. 5 cổ đông chủ chốt của Yokos đã tập hợp lại thành Công ty GML và chính GML đã kiện Nga ra PCA vì giải thể Yukos. Đại diện cho GML là luật sư người Anh Tim Osborne, đã tập trung theo đuổi vụ kiến suốt 10 năm trời. Bản án lịch sử dày đến 600 trang đã được đưa ra vào năm 2014. Các thẩm phán của PCA nhận định Yukos bị giải thể một cách bất hợp pháp và buộc Moscow phải bồi thường 50 tỷ USD. Tuy nhiên, phán quyết của PCA đã bị bác bỏ bởi lập luận của các luật sư GML dựa trên việc áp dụng Hiệp ước châu Âu về năng lượng mà Nga đã ký kết năm 1994, nhưng hiệp ước này lại chưa được Quốc hội Nga thông qua.
Trong 2 năm qua, các cổ đông Yukos đã lao vào cuộc chiến tư pháp tại 5-6 quốc gia để thi hành phán quyết tịch biên các tài sản của Nga. Pháp là một trong những nước hăng hái thực hiện việc tịch biên. Theo tờ Les Echos, từ đầu vụ đến giờ, Bộ Ngoại giao Pháp đã chuyển cho Moscow 200 thông cáo liên quan. Công trình xây dựng giáo đường Nga ở gần tháp Eiffel là mục tiêu dễ thấy nhất. GML đòi huy động lực lượng an ninh để giúp thừa phát lại làm nhiệm vụ, còn Nga viện cớ đây là công trình trên đất thuộc ngoại giao đoàn.
![]() |
Trụ sở Yukos ở Moscow, Nga. |
GML còn muốn tịch biên số tiền gần 1 tỷ EUR mà Paris phải trả cho Moscow do hủy hợp đồng bán chiến hạm Mistral, nhưng không thành công. Tại Bỉ, một công chứng viên đã ngăn lại trình tự tịch biên một tòa nhà sau khi nhận được thư của phía Nga cảnh báo “sự cố ngoại giao quan trọng”. Bên kia bờ Đại Tây Dương, viện bảo tàng mỹ thuật của trường Đại học Virginia từ chối cho một triển lãm mượn các quả trứng của Fabergé-bảo vật do nhà kim hoàn Pháp Fabergé chế tác riêng cho Sa hoàng Alexandre III và Nicolas II của Nga-do sợ bị tịch thu.
Giờ Nga đã thắng và Nga hiện có quyền đòi hỏi tư pháp các nước khác dừng việc tịch biên tài sản Nga. Tuy nhiên, truyện dài này chưa chấm dứt ở đây. GML kháng cáo và thủ tục này còn kéo dài vụ kiện thêm 2 năm nữa, chưa kể đến thủ tục phá án sau đó. Trong khi chờ đợi, GML nỗ lực tiếp tục đòi tịch biên, từ Paris đến Berlin hay New Delhi-những địa điểm rất xa so với các mỏ dầu ở Siberia, nơi câu chuyện này khởi đầu cách đây 2 thập niên.
(Tổng hợp)