Hâm nóng thị trường
Việt Nam đang triển khai thông tin mạnh về các “vùng xanh” (vùng an toàn, chưa có dịch bệnh) trên địa bàn cả nước. Chẳng hạn, sau khi kích cầu cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tuần sau sẽ đến khu vực Nam bộ, Côn Đảo, Phú Quốc, đến giữa tháng 3-2020 sẽ là vùng Trung bộ, Bắc Trung bộ... Những địa phương không có dịch sẽ được kích cầu trước, chương trình sẽ sớm phủ kín cả nước nhằm thúc đẩy sự hồi phục nhịp độ tăng trưởng trước đây.
Việc lựa chọn Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk để khởi động chương trình kích cầu du lịch Việt Nam tại thời điểm này được cho là cực kỳ nhạy bén. Đây là những vùng, miền thiên nhiên ưu đãi, nhiều nắng, nhiều gió, khí hậu trong lành, phong cảnh hữu tình, rất phù hợp cho các tour du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kịp ban hành tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19. Bộ tiêu chí này đưa ra các điều kiện đối với điểm đến du lịch an toàn, doanh nghiệp du lịch an toàn, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí an toàn, dịch vụ ăn uống và hàng hóa an toàn, dịch vụ vận chuyển an toàn. “Cần phải giải tỏa tâm lý cho khách trong giai đoạn này, hâm nóng thị trường du lịch”, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, Phó Ban phụ trách khu vực phía Bắc, nói.
Ghi nhận vài ngày gần đây, đông đảo du khách châu Âu, Mỹ đã đến Việt Nam trong thời điểm du lịch thế giới đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này cho thấy du khách tin tưởng vào việc kiểm soát dịch bệnh của nước ta. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel chuyên thị trường khách châu Âu, cho biết, trong tháng 2 này, lịch đón tour của doanh nghiệp không thay đổi. Có trên 50 tour khách châu Âu (80% trong số này đến từ Pháp) tham quan các danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Ngoài ra, hàng trăm đoàn khách châu Âu, Mỹ của các hãng lữ hành khác vẫn tiếp tục ghé TPHCM, khám phá các tour xuyên Việt. “Chúng tôi khuyến khích hướng dẫn viên chụp các bức ảnh đẹp của khách đi tour để đưa lên mạng, quảng bá du lịch. Nếu hướng dẫn viên cả nước cùng lan truyền thông điệp này thì hiệu quả sẽ rất lớn”, ông Nguyễn Ngọc Toản chia sẻ.
Trái ngược với cảnh “vắng tanh như chùa Bà Đanh” khi mới xuất hiện dịch Covid-19, Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày này đã đông du khách hơn hẳn. Trên các công viên, bãi biển hay nhà hàng, khách đã trở lại nhưng vẫn còn khá khiêm tốn bởi tâm lý lo lắng vì dịch bệnh chưa dứt. Theo đại diện của khu du lịch Oceanami Villas & Beach Club (huyện Đất Đỏ), đơn vị có 570 phòng cao cấp, thời điểm này năm ngoái, công suất phòng của đơn vị đạt 80% nhưng năm nay chỉ còn 30% và chủ yếu khách lẻ, nhóm khách gia đình.
Cũng cùng tình trạng trên, nhiều khu du lịch ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu) than vãn vì lượng khách giảm mạnh, đặc biệt khách đi theo đoàn gần như không có. Còn tại khu du lịch Hồ Mây Park - Vũng Tàu trước đây mỗi ngày đón từ 600-1.000 khách ngày thường và khoảng 3.000 khách cuối tuần thì nay chỉ còn 300-400 khách/ngày thường, thứ bảy và chủ nhật lượng khách đạt xấp xỉ 1.000 khách.
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, so với cùng kỳ, lượng đến tỉnh giảm hơn 31%, khách lưu trú và doanh thu của các cơ sở cũng giảm hơn 32%. Trong thời gian tới Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan thuế, ngân hàng hỗ trợ, cụ thể miễn giảm thuế, giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, cơ quan bảo hiểm hoãn thu các khoản trích nộp theo lương của người lao động để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngành du lịch đang bàn bạc tổ chức một số sự kiện lớn trong năm 2020 để thu hút khách, đồng thời tiếp tục quảng bá đến tận nơi thông qua việc giao lưu, ký kết, hợp tác trao đổi sản phẩm, dịch vụ với các tỉnh, thành là thị trường truyền thống của Bà Rịa - Vũng Tàu như: TPHCM, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên và miền Bắc.
Giảm giá, không giảm chất lượng!
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định, việc giảm giá là yếu tố quan trọng trong chương trình kích cầu. Những đơn vị đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch (giảm giá lên tới 80%) đều phải cam kết giảm giá các tour, dịch vụ nhưng không được giảm chất lượng. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho hay: “Dịch bệnh khiến ngành du lịch điêu đứng nhưng ở góc độ nào đó lại là cơ hội cho mọi doanh nghiệp cùng chung cảnh ngộ, như hàng không, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận chuyển… bắt tay liên kết cùng vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa, tuy lợi nhuận thấp nhưng số lượng khách luôn đông. Trong bối cảnh người dân còn e ngại, nhà tổ chức cần kích thích bằng sản phẩm hấp dẫn, giá ưu đãi nhất. Muốn như vậy các doanh nghiệp trong nước phải dựa lưng, hợp sức giảm giá thành”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhận định: “Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, ngành du lịch rất cần có các chương trình ưu đãi, hấp dẫn về giá để tăng sức thu hút cho các điểm đến. Vì không chỉ Việt Nam mà các nước bạn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đưa ra những hành động cụ thể trong thời điểm này để thu hút khách đến với thị trường của họ. Chúng ta cần đồng lòng gắn kết vì lợi ích chung để thực hiện chương trình kích cầu du lịch. Tuy giảm giá sâu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, vì điều này tác động trực tiếp đến sự thành công, tính hiệu quả của chương trình kích cầu”.
Tuy nhiên, các công ty lữ hành vẫn lo lắng, đó là sự thiếu thống nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt, băn khoăn: “Doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi làm một chương trình quảng bá tour phải chuẩn bị trước từ 3-6 tháng. Khi làm chương trình kích cầu, chuẩn bị tất cả các khâu xong đến khi bán sản phẩm, lúc đấy vé máy bay không còn giá kích cầu hoặc dịch vụ vận chuyển mặt đất khuyến mãi nhưng không đáng là bao. Khách sạn, nhà hàng lúc gặp khó, cần khách thì tha thiết giảm giá, ưu đãi đủ kiểu nhưng đến khi phục hồi lại ngó lơ! Chúng ta làm ăn cần tôn trọng nhau và có uy tín”.
* Nhiều khách hủy tour Hàn Quốc |