30 năm có lẻ
“Ông chủ ơi, cái tượng nhỏ nhỏ trong góc bao nhiêu vậy?”, ông Bùi Trang (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) ới vào trong.
Nghe gọi, ông Hà Văn Đính (71 tuổi, chủ tiệm đồ cổ số 16 Lê Công Kiều, quận 1, TPHCM) mở tủ kính lấy tượng ông Thọ dài bằng bàn tay, rồi nói: “Ba triệu rưỡi nghe chú, tượng này cũng hơn 50 năm rồi”. Người khách tiếp tục ngó những bức tượng khác, vừa xem vừa hỏi giá rôm rả.
Tiệm của ông Đính mở từ năm 1985, bán đủ thứ đồ cổ, từ hàng trưng bày bằng đồng, gốm sứ, đến đồ gỗ, đá quý. Có món giá vài triệu đồng, nhưng có vật lên tới vài trăm triệu đồng.
“Tôi mở tiệm ở đây cũng là cố cựu, từ thời còn định giá bằng chỉ vàng, cây vàng. Hai vợ chồng cùng bán mà bả té gãy tay, nên phải đóng cửa gần một năm mới mở lại”, ông kể.
Gần đối diện tiệm ông Đính là tiệm anh Nguyễn Văn Thảo, biệt danh Thảo “Nam bộ”, ngoài 40 tuổi. Bày biện những món đồ sứ như bình hoa, chậu cảnh trong không gian tươm tất, anh Thảo khoe mới tậu gần chục cái đĩa giá hời.
Không mang vẻ hoài cổ như phố Lê Công Kiều, phố xe máy cũ ở quận Phú Nhuận là địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn mua bán xe đã qua sử dụng. Kéo dài từ đầu đường Hoàng Văn Thụ đến đường Phan Đăng Lưu, nhiều tiệm bán xe cũ ở đây tồn tại ngót nghét 30 năm.
Rảo một vòng mấy chục tiệm với “slogan” - mua bán xe cũ giá cao, chúng tôi thấy nhiều tiệm bảng hiệu đã mờ, phông chữ xưa như… trái đất. Vài người khách tạt ngang hỏi giá xe, cảnh mua bán cũng vui mắt.
Đừng tưởng xe cũ chỉ dành cho người ít tiền. Một người đàn ông đậu chiếc xe hơi màu trắng xa xa rồi đi bộ lại tiệm của bà Thế (60 tuổi) ở số 160 Phan Đăng Lưu. Anh hỏi chiếc Dream nhìn còn khá mới.
“18 triệu, bớt anh 200.000 đồng sát giá. Xe này giờ ít chiếc được vầy”, bà Thế nói.
Người khách hẹn sẽ quay lại, rồi cho biết mình mua chiếc xe “cùi” để sáng sáng đi uống cà phê với mấy người bạn.
Gần đó, những tiệm khác cũng bày xe kín mít phía trước. Các loại xe số như Wave, Future có giá 5-6 triệu đồng đến cỡ 15 triệu đồng, xe tay ga cũng tương tự. Những xe này được thợ của các tiệm tân trang để nhìn “ngon”, máy móc “tút” lại nên “mua là chạy phà phà” - như lời một chủ tiệm nói.
Các tiệm xe cũ thường mở cửa từ hơn 9 giờ sáng, cỡ 20 giờ là đóng cửa lần lần. Theo em Trần Tấn Đạt (con trai một chủ tiệm), giờ người ta mua xe mới dễ dàng, nên việc mua bán của gia đình em cũng như những tiệm khác chậm hơn. Vì vậy, dù diện tích lớn hay bề ngang chỉ đủ dựng 4-5 chiếc xe, tiệm nào cũng cố trưng xe bắt mắt để khách chú ý.
“Có nhiều bữa ế xệ, nhưng nói chung cũng kiếm được tiền vì còn khách mua xe cũ. Đâu phải ai cũng giàu”, Đạt nói chuyện như một ông già.
Những mảng màu xưa cũ
Đó chỉ là bề nổi của phố chuyên doanh. Thành phố mới lên từng ngày, những con phố chuyên bán đồ cổ, đồ cũ cứ lặng lẽ giữa mảng màu xưa cũ. Chăm chỉ làm ăn, có người phất lên nhưng cũng có người tự an ủi là… không gặp thời.
Trường hợp ông Hà Văn Đính có thể coi là hên. Ông kể, xưa cha mẹ để lại hai cái nhà ngay đường Lê Công Kiều, sau đó ông bán cho người ta một căn mở tiệm giống mình.
“Bán đồ cổ, tôi phải coi kỹ xuất xứ, sành chỗ mua. Nhờ biết tiếng Anh nên tôi còn so đồ bên Thái Lan, Singapore để đưa ra giá hợp lý. Hồi trước, mỗi ngày tôi lời mười mấy triệu là chuyện thường”, ông nói.
Năm 1990, ông ghé nhà bạn trên Đà Lạt, mua được bức tượng gãy đầu và chiếc máy ảnh cũ giá 4 chỉ vàng. Về bán lại được… 4 cây vàng, ông mua luôn miếng đất, nay thành biệt thự gia đình mình ở thành phố hoa.
Ba người con ông Đính học tới thạc sĩ, trong đó 2 người sống ở nước ngoài. Vui miệng, ông kể có những món ưng quá nên không bán, như bức tượng Phật ngàn mắt ngàn tay bằng gỗ mun, dù có người trả 300 triệu đồng, hay chiếc tủ thờ Nhật Bản ông òn ỉ 2 năm trời mới rinh về được.
Cũng giống như ông Đính, ở phố xe cũ Phú Nhuận, vợ chồng bà Thế từ Hà Nội vào lập nghiệp cũng đã mua đứt căn nhà khang trang mặt tiền đường Phan Đăng Lưu. Con cái đều nhà cao cửa rộng ở quận Gò Vấp, giờ ông bà - nói theo ngôn ngữ mạng - là bán cho vui, chứ “lời lỗ gì tầm này”.
Không phải cứ mua đi bán lại là kiếm lời nhiều. Giữa mùa dịch Covid-19, cộng thêm việc mua bán online dễ dàng nên những con phố này cũng nhọc nhằn bám trụ. Ở phố xe cũ, những người không trụ nổi hoặc đã tích cóp kha khá thì bỏ nghề. Phố đồ cổ có vẻ đỡ hơn, do đặc trưng mặt hàng, nhưng một số tiệm đã rơi rụng. Con đường Lê Công Kiều không còn thuần bán đồ cổ nữa.
Nếu đi dạo phố xe cũ ban đêm, bạn sẽ cám cảnh khi thấy trong một số cửa tiệm giá thuê mặt bằng đắt đỏ, người chồng sắp xếp những chiếc xe và ngóng khách, người vợ loay hoay dọn dẹp trên căn gác nóng chảy mỡ. Thời hoàng kim của nghề này đã qua rồi.
Hoặc phố đồ cổ đâu chỉ có những cửa tiệm bạc tỷ. Chúng tôi gặp một đôi vợ chồng già với chiếc tủ kính bày bán đồ đồng, đồ trang trí ở ven đầu đường. Một vị trí lẻ loi mà khách dễ bỏ qua, bởi vào các tiệm lớn coi đã mắt hơn.
Thành phố còn có khu phố đông y, phố vàng bạc ở quận 5 đã được quy hoạch chuyên doanh; hoặc các phố tự hình thành như con đường máy tính Tôn Thất Tùng; phố thuốc mới nổi gần đây ở đường Hai Bà Trưng (quận 1); phố mắt kính cuối đường Trương Định (quận 3)… Tất cả thể hiện sự dung chứa của thành phố với những phận người khắp nơi đổ về. Nơi có người thành tỷ phú và cũng lắm kẻ trắng tay, nên chúng tôi tự hỏi không biết 5-10 năm nữa, những con phố này sẽ biến đổi thế nào.
Khi chúng tôi hỏi chuyện cạnh tranh, anh Thảo “Nam bộ” nói: “Ở đây mạnh ai nấy bán, kèn cựa chi. Khách vô mua không có món đó, tụi tôi còn chỉ tiệm khác cho họ tới. Mấy chú bên mấy tiệm lâu năm cũng vui vẻ, không xích mích gì”.
Đúng như lời anh Thảo, khi có khách hỏi về tranh, ông Đính chỉ ngay lên tiệm gần đầu đường. Còn bà chủ tiệm đồ đồng thì trỏ tay qua bên trái đường để khách có thể mua tượng đồng to.
Tương tự, những chủ tiệm ở phố xe cũ mà chúng tôi hỏi chuyện đều nói rằng khu này đã có mức giá chung nên không thể bán quá lố. Người bán giỏi phải lão luyện trong chuyện tìm nguồn và định giá xe mua vào, “xem giò xem cẳng” khách để bán ra.
Một chủ tiệm trên đường Hoàng Văn Thụ bộc bạch: “Càng đông tiệm bán xe cũ, người ta càng biết mà tới. Thường khách sẽ ghé vài tiệm mới quyết định mua nên mình không nói thách được”.